Vì sao chủ phương tiện chưa “mặn mà” với thu phí không dừng?
Văn hóa - Ngày đăng : 23:35, 01/04/2019
Chủ phương tiện chưa mặn mà
Từ năm 2015, Chính phủ đã có chủ trương áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT giao thông, thông qua một thẻ thu phí không dừng (Etag) với mục đích hiện đại hóa công nghệ thu phí, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời kiểm soát được doanh thu qua trạm mỗi ngày. Triển khai chủ trương này, thời gian qua Sở GTVT TP.HCM đã giao Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Thanh tra Sở Tài chính xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra hoạt động của các trạm thu phí nói trên.
Theo Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, đến nay tại trạm thu phí chính An Sương - An Lạc nằm trên Quốc lộ 1A (thuộc địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM) đã có 8/12 làn lắp đặt hệ thống thu phí không dừng hỗn hợp. Tại 13 trạm thu phụ cũng đã lắp xong hệ thống thu phí không dừng hỗn hợp. Đây là một phần trong việc xây dựng hệ thống điều khiển giao thông thông minh của TP.HCM.
Áp dụng hình thức thu phí ETC vào tháng 1 năm nay, hiện lưu lượng xe sử dụng thẻ thu phí tự động Etag tại trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc có nhích hơn thời gian đầu. Song, do các làn thu phí ETC tại đây cũng thưa thớt xe sau 1 tháng chia làn dành riêng cho thu phí ETC, chủ đầu tư đã cho nhập 2 hình thức thu phí vào cùng một làn để tránh tình trạng một làn quá vắng, làn còn lại thì đông đúc, gây ùn tắc giao thông.
Gần đây, vào ngày 23/3, TP.HCM cũng tiếp tục đưa vào hoạt động thu phí không dừng trạm thu phí cầu Phú Mỹ (địa bàn giáp ranh giữa quận 2 và quận 7) giai đoạn 1. Tại đây có 4 làn thu phí tự động, mỗi chiều 2 làn trong cùng sát dải phân cách giữa. Các làn còn lại vẫn tổ chức thu phí một dừng. Trong giai đoạn 2, Chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ sẽ tiến tới thu phí tự động không dừng ở tất cả các làn.
Ghi nhận trong buổi sáng 01/4/2019, 04 làn thu phí ETC (2 làn chiều đi và 2 làn chiều về) rất vắng vẻ, thi thoảng mới có một chiếc ô tô chạy qua, các phương tiện khác hầu như đi vào các làn thu phí một dừng, với hình thức mua vé lượt hoặc sử dụng vé tháng.
Có đảm bảo yếu tố cạnh tranh?
Một chủ doanh nghiệp (DN) vận tải ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) phân tích, dù cơ quan chức năng tuyên truyền mục đích sử dụng thu phí tự động không dừng vừa tiện lợi, vừa công khai minh bạch nhưng DN nhận thấy việc làm thẻ Etag chưa thuận tiện, phải bỏ tiền trước vào tài khoản mà không phát sinh lãi, trong khi cứ qua trạm thu phí dùng tiền mặt mua vé hay đăng ký vé tháng sẽ tiện hơn.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chủ DN hay chủ phương tiện chưa mặn mà làm thẻ Etag, là do hệ thống các trạm BOT trên cả nước chưa được đầu tư và lắp đặt đồng bộ hệ thống thu phí tự động, nên không thể sử dụng thẻ đi qua toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các DN vận tải cũng âu lo việc Bộ GTVT lựa chọn duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ dán thẻ Etag - Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, liệu có đảm bảo yếu tố cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả dịch vụ; việc nộp và quản lý tài khoản giao thông (tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ) cũng chưa tiện lợi cho người sử dụng.
Trong thực tế, cũng có không ít nhà đầu tư BOT không thích sự minh bạch, thích thu phí thủ công nên tìm cách trì hoãn thu phí tự động không dừng. Do vậy, muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng thì các vấn đề trên cần được giải quyết rốt ráo và cần các chủ phương tiện ủng hộ sử dụng dịch vụ thu phí tự động.