Lên Mộc Châu khám phá 2 Lễ hội đặc sắc của người Thái Sơn La

Văn hóa - Ngày đăng : 18:10, 18/03/2019

(TN&MT) - Từ ngày 20-23/3, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La sẽ diễn ra 2 lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái: Lễ hội Cầu Mưa (xã Mường Sang) và Lễ hội Hết Chá (xã Đông Sang). Đây là cơ hội để nhân dân và du khách khám phá những nét văn hóa đặc sắc cũng như được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc trên cao nguyên Mộc Châu.
Lễ hội Cầu mưa diễn ra sáng ngày 20/3/2019
Lễ hội Cầu mưa diễn ra sáng ngày 20/3/2019

Lễ hội Cầu Mưa và Lễ hội Hết Chá là hai lễ hội có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, huyện Mộc Châu. Lễ hội được huyện Mộc Châu duy trì tổ chức hàng năm, nhằm phục vụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương; bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, hướng đến hình thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo phục vụ du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn  huyện.

Theo BTC Lễ hội, Lễ hội Cầu Mưa sẽ được khai mạc lúc 7h00 ngày 20/3 (tức ngày 15 tháng 2 âm lịch) tại Nhà văn hóa xã Mường Sang.

Đến với Lễ hội, nhân dân và du khách sẽ được tham dự Lễ cúng ông then (ông trời), cầu xin ông ban mưa xuống cho ruộng đồng, cây cối tốt tươi, được hòa mình vào không khí rộn ràng của điệu xòe thái và thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.

Lễ hội Hết Chá là nét văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của người Thái Mộc Châu
Lễ hội Hết Chá là nét văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của người Thái Mộc Châu

Tiếp đó, ngày 23/3, huyện Mộc Châu tiếp tục tổ chức Lễ hội Hết Chá tại Nhà văn hóa bản Áng 1, xã Đông Sang. Lễ hội Hết Chá của người Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/06/2015.

Nguồn gốc của Lễ hội Hết Chá được truyền lại rằng: Xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường nhờ đến thầy mo (thầy cúng). Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Để tỏ lòng biết ơn, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, mỗi dịp 29, 30 Tết, con cháu lại cùng nhau đến tạ ơn thầy mo.

Nhưng thời điểm đó, thầy mo đang bận rộn chuẩn bị Tết, nên lễ tạ ơn được ấn định tổ chức vào tháng 3 hàng năm, khi hoa ban vào mùa nở rộ nhất. Lễ hội Hết Chá được hình thành từ đó, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng, cũng là dịp cầu an năm mới và  thể hiện lòng biết ơn giữa người với người.

Lễ hội Hết Chá gồm phần lễ và phần hội
Phần lễ của Lễ hội diễn ra xung quanh một cây nêu được treo hoa ban, hình con chim, con thú, ve sầu, ong bướm, trống chiêng… đủ màu sắc tượng trưng cho sự sống, mùa xuân của đất trời.

Đồng thời, đây cũng là dịp để người Thái cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Hết Chá gồm 2 phần: Phần lễ để mọi người tỏ lòng thành kính với bậc cha nuôi có công ơn cứu chữa mình, tạ ơn đất trời và phần hội gồm các hoạt động mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc Thái trong quá trình dựng bản, dựng mường, xây dựng đời sống mới. Lễ hội Hết Chá năm nay sẽ có các hoạt động như lễ rước hoa mạ, hoa ban, biểu diễn các tích trò phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường của người Thái do đội nghệ nhân Xòe Chá Bản Áng I thực hiện.

Bên cạnh đó, sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn như: Thi trưng bày ẩm thực dân tộc; tổ chức các môn thể thao dân tộc (tung còn, tó má lẹ, đi cầu kiều); Hội thi múa xòe; Hội thi thôn nữ duyên dáng; Giao lưu văn nghệ; Trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng thổ cẩm, hàng nông sản, sản phẩm thương hiệu của xã Đông Sang.

Sự kết hợp hài hòa giữa không khí Lễ hội truyền thống đặc sắc cùng các hoạt động biểu diễn văn nghệ, ẩm thực, trò chơi dân gian hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, khó quên.