STEMCON Việt Nam lần thứ 7: Những Gợi mở và Cơ hội trong ngành STEM
Văn hóa - Ngày đăng : 12:05, 14/03/2019
Năm nay, với chủ đề Nguồn Nhân lực số Tương lai: Những Gợi mở và Cơ hội trong ngành STEM, STEMCON Việt Nam lần thứ 7 quy tụ lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học thuật và đại diện các cơ quan chính phủ để cùng nhau thảo luận.
STEMCON Việt Nam là diễn đàn để lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các nhà đổi mới, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, và lãnh đạo các doanh nghiệp cùng ngồi lại và chia sẻ các ý tưởng về cách thức nâng cao năng lực STEM của Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày (14, 15/3) với các phiên tương tác với toàn thể người tham dự, các phiên thảo luận giữa các diễn giả, các phiên thảo luận kỹ thuật, và các hội thảo theo các chủ đề khác nhau. Trong hai ngày, người tham dự chia sẻ các thách thức và cơ hội gặp phải trong nền kinh tế số, các xu hướng về lực lượng lao động, các chính sách giáo dục và các mô hình học tập đổi mới dành cho Việt Nam. STEMCON Việt Nam khởi nguồn cách đây 7 năm từ Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học Ngành Kỹ thuật (Higher Engineering Education Alliance Program - HEEAP), một dự án ban đầu được Intel Products Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Năm nay, STEMCON đã thu hút trên 500 người tham dự đến từ các doanh nghiệp, giới học thuật, và các cơ quan chính phủ, những người tin rằng giáo dục là cốt lõi của thành công kinh tế.
Ông Jeffrey Goss - Phó Hiệu trưởng phụ trách các Chương trình tại Đông Nam Á, Đại học Bang Arizona cho biết “Với việc ước tính có khoảng 80% trong số 54 triệu lao động tại Việt Nam không có các kỹ năng phù hợp để tham gia vào nền kinh tế số, thì điều quan trọng là cùng nhau chúng ta phải xác định nhu cầu và tạo ra được các mô hình phù hợp song phải mang tính đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Việc tổng hợp các góc nhìn khác nhau có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới theo một định hướng có sự phối hợp, có được thông tin đầy đủ, và mang tính tiến bộ”.
Ông Đặng Việt Dũng cho biết: Đà Nẵng trước đây phát triển chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên, một phần dựa vào lực lượng lao động, một nguồn tài nguyên hết sức nhỏ bé, sắp tới đây, Đà Nẵng quyết tâm, chuyển hướng đầu tư vào nguồn nhân lực tại chỗ. Trong những năm qua, Đà Nẵng đã đưa lực lượng lao động đi đào tạo, trong tương lai, Đà Nẵng không chỉ đưa lực lượng đi đào tạo ngoài nước mà sẽ còn đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Trong thập kỷ tới, Đà Nẵng xác định kinh tế số là 1 trong 5 nền kinh tế mũi nhọn.