Hòa Bình: Sức hút du lịch tham quan bản làng
Văn hóa - Ngày đăng : 17:38, 26/02/2019
Để thu hút khách nhiều hộ đầu tư cơ sở hạ tầng, sửa sang nhà cửa, trang phục… theo đúng phong tục tập quán địa phương. Từ du lịch cộng đồng nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để tạo sức hút cho khách đến địa phương thì anh Bùi Văn Chiến chọn lối đi cho riêng mình là nuôi cá đặc sản phục vụ du khách.
Đầu xuân Kỷ Hợi chúng tôi đến nhà anh Chiến, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Căn nhà mái bằng lát gạch sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài sân nhìn ra lòng hồ vừa được anh xây xong. Ngay cửa nhà anh là mép sông cũng là bến thuyền của xóm. Bên ngoài lòng sông là những lồng cá của các hộ trong xóm nuôi. Có vài hộ đang đóng, sửa lại thuyền để đi làm cá. Anh Chiến tâm sự: Căn nhà này xây dựng mất hơn 200 triệu đồng cũng từ cá mà ra. Do cạnh mép sông, thoáng đãng nhưng chi phí tốn kém hơn nơi khác là phải xây kè đá tránh lở đất. Anh kể cũng như bao gia đình ở vùng lòng hồ này gia đình anh phải “vén” nhiều lần để định cư tại xóm Ngòi như bây giờ. Những năm đó, được nhà nước hỗ trợ anh trồng 5000 m2 bương luồng để thu măng và thu cây. Hết vụ thu hoạch vợ chồng anh lại xuống sông đánh bắt cá bằng lưới và thả rọ tôm. Vì thế, tôm cá nhiều có ngày đi đánh được hàng tạ.
Anh Chiến kể rằng, một số người đánh bắt cá theo hình thức tận diệt, chập điện, nên tôm cá ngày càng ít. Trước nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt anh cùng các hộ dân trong xóm đóng lồng nuôi cá. Ban đầu mỗi nhà chỉ 2-3 lồng cá với những giống truyền thống như chắm đen và chắm trắng. Hai giống này phù hợp với điều kiện tự nhiên trên lòng hồ nên ít bệnh, chăm sóc cũng không vất vả. Thấy hiệu quả kinh tế anh làm thêm lồng nuôi với quy mô lớn hơn. Anh cho biết: Nguồn thức ăn của 2 loại cá này ở địa phương rất dồi dào. Người nuôi mất công lao động là chính, ít đầu tư nên tính chi phí thì thu nhập hơn hẳn trồng bương, luồng và trồng ngô, sắn.
Tháng 5/2017, thông qua dự án giảm nghèo gia đình anh được đầu tư 7 lồng lưới. Sau khi làm xong lồng anh nuôi cá lăng đen và lăng vàng với hơn 1.000 con. Đây là loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao trên vùng lòng hồ nên được khách ưa thích. Với những loại nuôi được 4-5kg trở lên thì có giá thành rất cao. Do chưa có kỹ thuật nên vào mùa nước đục cá bị trương bụng nổi chết. Sợ dịch bệnh tháng 6/2018 anh bán hết cá và tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi cá. Có chút kinh nghiệm vụ cá năm nay anh đầu tư vài nghìn con cá giống nuôi ở 5 lồng và thả thành nhiều lứa khác nhau.
Đồng chí Bùi Văn Bân, Bí thư chi bộ xóm Ngòi cho biết: Mỗi khi khách đến tham quan xóm Ngòi, thưởng thức món ăn họ nghĩ ngay đến cá lòng hồ sông Đà. Trong những năm gần đây, nuôi cá lồng đặc sản là một trong những hướng đi đúng đắn khai thác điều kiện tự nhiên ở địa phương, làm giàu cho nhân dân. Đồng thời đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch lòng hồ thu hút du khách. Du lịch tham quan làng nuôi cá phát triển, du khách đến tham quan ngày càng đông, người dân có việc làm, tăng thu nhập, đời sống được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo.