Hải Dương tế trời đất trên Ngũ Nhạc Linh Từ

Văn hóa - Ngày đăng : 09:06, 22/02/2019

(TN&MT) - Ngày 21/2 (17 tháng Giêng, năm Kỷ Hợi), Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc.
Ngũ Nhạc 1
Các đại biểu và du khách lên núi Ngũ Nhạc

Thực hiện nghi lễ có các đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương, các tăng, ni, phật tử cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Ngũ Nhạc 2
Nghi lễ tế chính ở Trung Nhạc miếu
Ngũ Nhạc 2' (1)

 

Đoàn tế với đội múa lân, bát âm, chiêng trống dẫn đoàn, đi sau là các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương tiến lên núi, dâng hương tại chân núi Ngũ Nhạc và Bắc Nhạc miếu. Tiếp đến, đoàn di chuyển lên Trung Nhạc miếu (Trung cung), đây là Đàn tam giao (nơi giao hòa giữa trời, người và đất) làm lễ tế trời đất. Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu cùng các vị tăng, ni, phật tử cử hành nghi thức tế cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… Sau lễ tế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương ban ngũ cốc đã tế trời đất cho đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo 12 huyện, thị xã, thành phố, nhân dân và du khách thập phương. Ngũ cốc gồm 5 loại hạt: thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành. Đây là những loại hạt tinh túy, cao quý nhất trong các loài hạt nông sản của người Việt, có tác dụng nuôi sống con người và muôn loài. Ngũ cốc là vật phẩm linh thiêng sau khi dâng cúng tế Trời, Đất, Phật, Thánh… mang về trộn vào hạt giống gieo trồng sẽ được bội thu. Sau lễ tế trời đất tại Trung cung, đoàn tế tiếp tục dâng hương tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và kết thúc bằng lễ dâng hương tại đền thờ Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi.

Ngũ Nhạc 3
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương ban ngũ cốc cho khách thập phương: Ảnh: Thành Chung

Núi Ngũ Nhạc nằm ở phía đông bắc chùa Côn Sơn, cao 238 m, trải dài từ bắc xuống nam. Núi Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, mỗi đỉnh có 1 miếu thờ thần tự nhiên là Ngũ Phương Ngũ Lão Quân (Thanh Đế ở phương đông, Bạch Đế ở phương tây, Hắc Đế ở phương bắc, Xích Đế ở phương nam và Hoàng Đế ở trung tâm). 5 miếu mang chức năng quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Vì thế, trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại núi Ngũ Nhạc là để cầu phúc, tránh họa, mong cho phong đăng, hòa cốc, quốc thái dân an. Tương truyền Ngũ Nhạc Linh Từ chính là nơi từ thời nhà Trần đã là nơi tế trời, đất, cầu cho nước Việt được quốc thái, dân an, mùa màng tươi tốt. Nghi lễ linh thiêng nơi đây được duy trì tới ngày nay. Năm 2005, Hải Dương đã đầu tư xây dựng 5 ngôi miếu thiêng bằng đá. Xây dựng gần 2 km đường lên núi bằng đá xanh Thanh Hóa. Rừng thông, rừng keo được bảo tồn nghiêm ngặt, tạo cảnh quan kỳ thú cho vùng đất thiêng Côn Sơn.