Độc đáo nghi lễ “đánh thức trời đất” chào năm mới của ngôi làng cổ giữa lòng Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 15:53, 14/02/2019

(TN&MT) - Đúng 3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, chiêng trống đồng loạt vang lên. Âm thanh như làm rung chuyển cảnh vật, được người dân coi như hành động mở cửa cổng đất, trời; con người nhờ thế mà hấp thụ được linh khí của trời đất.

Làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) là một ngôi làng cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời ở Hà Nội ngày nay. Người dân nơi đây hiện vẫn lưu giữ một nghi thức có một không hai có tên là “nghi thức đánh thức trời đất”. Theo ông Hoàng Thế Xương, một cao niên trong làng thì: “Từ đêm hôm trước, người dân đã xếp đặt các đồ nghi lễ như long đình, chiêng, trống, cờ ngũ phương, các đồ nghi trượng vũ khí (như: đao, thương, kiếm, kích...) ở trước cửa đình cùng với đồ cúng tế. Thành phần bắt buộc phải có mặt để thực hiện nghi lễ gồm: ông Cai Đám (chủ tế), ông Khởi Chỉ (người ra mệnh lệnh), người đánh chiêng trống và các  người già trong làng”.

danh thuc troi dat
“Nghi thức đánh thức trời đất” được bắt đầu lúc 3h sáng ngày mùng 1 Tết

Theo đó, đúng 3 giờ sáng ngày 1 Tết Nguyên Đán, 3 hồi chiêng trống đầu tiên sẽ vang lên. Sau đó ông Cai Đám làm lễ kính báo thánh thần, ông Khởi Chỉ đứng thẳng, tay trái cầm trống đã buộc dải lụa đỏ, tay phải cầm dùi trống đều ôm trước ngực. Bên cạnh đó là hai ông đánh chiêng trống đã đặt sẵn dưới sân đình, cách thềm độ mười bước. Tất cả mọi người đứng nghiêm trước vị trí của mình. Ông Khởi Chỉ cầm dùi múa một vòng theo nghi thức rồi đánh vào giữa mặt trống. Tiếng trống vang lên đón chào năm mới.

Tiếp theo ông Khởi Chỉ trở lại tư thế ban đầu, vung dùi theo nghi thức rồi đánh một cái vào núm chiêng. Tiếng chiêng nổi lên, trầm hùng như sóng cuồn cuộn khắp sân đình, lan mãi ra ngoài xa. Một hồi trống xen lẫn với chiêng lại tiếp tục vang lên cho đến khi đủ 36 tiếng thì được gọi là một hồi. Người ta lặp lại thêm hai hồi nữa mới đủ nghi lễ. Tổng cộng, nghi lễ gồm 333 tiếng tiếng chiêng, trống.

“Người dân chúng tôi tin rằng, nghi thức này giúp khởi động thời gian, mở cửa không gian, hấp thụ linh khí đất trời trong năm mới. Điều này sẽ giúp người dân trong làng có được sức khỏe, may mắn và nhiều niềm vui. Nhiều người cũng tin rằng, do thực hiện nghi lễ vào đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, con người cũng nhờ đó mà hấp thụ được linh khí của trời đất nên làng Đa Sỹ mới sản sinh ra nhiều tuấn kiệt đến như vậy” - Ông Hoàng Thế Xương cho biết.

nghi le danh thuc dat troi vao nam moi
Ông Hoàng Thế Xương tin rằng, nghi lễ sẽ giúp con người hấp thụ được linh khí của trời đất

Sau khi nghi lễ đánh trống, chiêng kết thúc, nghi lễ hấp thụ linh khí đất trời cũng bắt đầu. “Đây là một nghi lễ tôn nghiêm, trang trọng và thiêng liêng nhất đối với dân làng. Trong suốt quá trình thực hiện nghi thức, người đi lễ chỉ được nghĩ đến những điều tốt đẹp, lành mạnh” - ông Xương chia sẻ. Theo đó, nghi lễ rước động thổ từ đình về miếu bắt đầu diễn ra. Đi đầu là những bó đuốc cực lớn, gọi là đuốc đình liệu, năm lá cờ ngũ phương, chiêng, trống, tù và, tiếp đến là long đình.

Trên long đình người dân dâng nhang hoa, do 8 chàng trai thanh tú thay nhau rước khiêng để thể hiện sự cung kính đức thánh thần. Đi sau long đình là ông Cai Đám bước đi đầy thư thái và trang nghiêm, sau đó là các cụ già làng. Hai hàng những thanh niên lực lưỡng đầy uy dũng mang theo nghi trượng, vũ khí dàn hai bên rước đi khỏi cửa đình, tiến về hướng ngôi miếu ở đầu làng. Về tới miếu, long đình và những thanh niên cầm vũ khí sẽ quay về một phương trời, mà theo dân làng đó là hướng mà năm đó sẽ được đại lợi, để nghênh đón thần thánh.

Nghi lễ rước động thổ vừa xong thì giờ Dần (từ 3h - 5h sáng - PV) cũng kết thúc. Dân làng bắt đầu thực hiện nghi lễ Nguyên đán (nghi lễ lấy lộc). Lễ vật của dân làng dâng hiến cũng được tập trung lại. Cả làng tụ họp ăn uống để hưởng lộc đầu năm cũng như hưởng linh khí trời đất.

Theo các cao niên trong làng, dưới các triều đại phong kiến xưa, làng có tới 11 người đỗ đạt tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên (tên là Hoàng Nghĩa Phú - PV) được lưu danh ở văn bia Quốc Tử Giám -Hà Nội. Làng cũng là quê hương của danh y Hoàng Đôn Hòa (người được tôn vinh là “Lương y dược đại vương” dưới thời  nhà Hậu Lê, được hậu duệ đời đời ghi ơn với 208 phương thuốc trị bệnh cứu người, được coi là ông tổ ngành quân y Việt Nam và được tôn thờ làm Thành Hoàng làng - PV).