Giữ lửa di sản
Văn hóa - Ngày đăng : 01:37, 05/02/2019
Với tầm quan trọng đó, năm 2018, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc về di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững và đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bảo tồn và phát huy di sản không chỉ trách nhiệm của Nhà nước còn là sự nghiệp của cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Di sản đồ sộ
Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4.000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 25 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó, có 8 di sản văn hóa thiên nhiên.
Mới đây, Công viên Địa chất non nước Cao Bằng được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu tại Phiên họp lần thứ 204 Hội đồng Chấp hành UNESCO được tổ chức tháng 4/2018 tại Paris, Cộng hòa Pháp. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được công nhận tiếp sau Cao Nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và là Công viên Địa chất toàn cầu thứ 8 khu vực Đông Nam Á. Sự vinh danh này được chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành TN&MT năm 2018.
Mỗi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được công nhận góp phần khẳng định, Việt Nam có thêm những bước tiến lớn về quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu. Những di sản đó, không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới mà còn giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Thông qua hoạt động du lịch, di sản đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.
Và điều quan trọng khi di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành di sản thế giới, nói theo cách của ngành thương nghiệp, điều đó giống như di sản được gắn một “thương hiệu” đặc biệt, hấp dẫn, đánh tiếng ra toàn thế giới. Di sản thế giới là tài sản chung của nhân loại, do đó, nghiễm nhiên trở thành một điểm không thể bỏ qua của các du khách ngoài nước khi tới Việt Nam. Đồng thời, cũng là nguồn động lực thôi thúc, lôi cuốn người dân trong nước đến với các di sản này.
Chẳng phải nói đâu xa, quần thể di tích kiến trúc Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… ngay sau khi trở thành Di sản thế giới, đã trở thành những điểm du lịch quan trọng của cả nước. Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được trở thành kiệt tác của nhân loại được xã hội quan tâm nhiều hơn và được đầu tư mạnh mẽ hơn…
Để di sản mãi xanh
Ai cũng hiểu giá trị của một di sản không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.
Mỗi một địa phương khi làm hồ sơ để trình lên UNESCO đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên thế giới đều phải đề ra rất nhiều giải pháp, chứng minh có một hệ thống quản lý để bảo vệ giá trị của di sản. Vậy sau khi đã có được danh hiệu đó, chúng ta đã hành xử như thế nào đối với các di sản, cũng như việc thực hiện các cam kết với UNESCO đã hiệu quả hay chưa? Đó là câu hỏi lớn!
Trăn trở này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi mở cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, di sản về bản chất thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy, phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như: Cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo.
“Di sản không phải là di sản “chết” mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm. Nguồn lực tài chính dành cho công tác này luôn hạn chế, trong khi chưa phát huy được tốt nhất nguồn lực trong dân, vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Bên cạnh đó còn những thách thức như cùng với thực hiện đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế, đầu tư nước ngoài, sức ép của toàn cầu hóa đối với văn hóa truyền thống ngày càng lớn; sức ép của quá trình đô thị hóa, của việc biến tướng trong khai thác di sản, tận thu mà không đầu tư cho giữ gìn, sự xuống cấp của di sản văn hóa và thiên nhiên do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu... là những nguy cơ hiện hữu với các di sản văn hóa và thiên nhiên. Những thách thức trên đặt ra vấn đề cấp thiết tăng cường bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi; xử lý hài hòa, thỏa đáng quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Bảo tồn - Lấy con người làm trung tâm
Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và và phát triển bền vững. Cụ thể, di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Xây dựng văn hóa coi trọng di sản cho các em học sinh ngay từ lúc ấu thơ để mỗi người chúng ta chủ động đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước hỗ trợ nhưng không bao cấp hay làm thay.
Cần thiết đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Giao lưu để quảng bá và giao lưu để học hỏi kinh nghiệm nhằm bảo vệ di sản tốt hơn và qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Cách xử lý di sản cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa trong và ngoài nước, giữa các địa phương, giữa các dân tộc, giữa văn hoá và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm rằng, văn hóa và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang lại thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam.
Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.
Xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường.
Việt Nam hiện tại có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. 5 trong số đó là di sản văn hóa, 2 là di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long là những Di sản thiên nhiên. Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ là những di sản văn hóa. Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong số ít 35 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. |