Đà Lạt một thủa vàng son

Văn hóa - Ngày đăng : 13:25, 04/02/2019

(TN&MT) - Tháng 12, Canh 5, Đà Lạt không mấy mù sương. Xe đò thả tôi trên con phố Phan Bội Châu của trung tâm Đà Lạt. Ngoài trời lạnh tê cóng những đầu ngón tay. Bệnh mũi kinh niên của tôi được thể phát tác. Vì nhận được thông tin muộn, nên tôi đi thẳng từ Kon Tum tới Đà Lạt trong khi đồ đạc để hết lại ở Sài Gòn. Anh phụ xe thương tình, gọi giúp tôi một chiếc xe ôm chở đi mua áo ấm trước khi về chỗ nghỉ được sắp xếp trước trên đường Phù Đổng Thiên Vương.
19 XU N DALAT HA HUU NET


Miền thượng mù sương

Mới hơn 4 giờ sáng, nhưng ngoài đường đã đông cư dân phố thị dậy tập thể dục. Đã 10 năm tròn, tôi trở lại vùng đất những đồi thông xanh này. Không còn mấy vắng vẻ, Đà Lạt ngày hôm nay đã đông đúc hơn rất nhiều với những dãy nhà san sát. Những thứ ánh sáng của phố thị phát ra từ những chiếc đèn trang trí, hay những hàng quán làm cho Đà Lạt sáng rực lên một vùng. Bên ven Hồ Xuân Hương, trải dài theo những con phố trung tâm từng tốp, từng tốp khách du lịch. Dường như có một Đà Lạt đêm không ngủ. Nhịp sống nối tiếp từ lúc rạng bình minh tới ánh vàng vọt trong đêm. Những con đường quanh co, dốc lên dốc xuống trong sương mù đã trở thành một thứ đặc sản của nơi đây.

Đà Lạt hôm nay vẫn còn những biệt thự kiểu Normandie và Biarritz ven hồ và những nhà gỗ kiểu Savoie trên đồi, vẫn còn đó hoa cẩm tú cầu và nhiều loài hoa khác. Thế nhưng, có phần không vui, chú lái xe chở tôi tiếc nuối về một Đà Lạt mù sương của nhiều năm về trước. Một Đà Lạt sương bay là là trên mặt hồ, quấn lấy, len lỏi trong những đồi thông… Ai có đi Đà Lạt vào những ngày sương giá buốt mới thấm đẫm sự cổ kính nên thơ của một miền thượng mà người ta vẫn quen gọi là “miền thượng mù sương”. Những cây cối mảnh khảnh, gầy guộc, mờ ảo trong sương gợi thêm sự cô đơn, tịch lặng của một vùng cao nguyên càng thấm đẫm những ưu tư hoài niệm của một ai đó về một Đà Lạt thuở còn chưa xa.

Đà Lạt có nhiều hơn thế để gợi nhớ về một thời vàng son.

16 B NG R NG DALAT H H U N T


Vàng son một thuở

Vậy là đã 125 năm, Đà Lạt từ “chốn hư vô đã mọc lên một thành phố trên cao nguyên xanh rì”.

Đà Lạt bắt đầu hình thành và phát triển với những ngôi biệt thự trên - bên đồi, những tu viện nơi các bà sơ hát kinh, những nhà thờ và một đường tàu có ray răng cưa leo lên vùng cao nguyên, đến một nhà ga - bản sao của nhà ga Deauville (rất tiếc là ngày nay chỉ còn là một sân ga không tiễn đưa). Một số công trình kiến trúc tiêu biểu còn cho tới ngày nay có thể kể tên như: Nhà thờ chính tòa Đà Lạt, Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt (trước mang tên trường Trung học Yersin)…

TS. Olivier Tessier, nhà khảo cổ học EFEO tại Việt Nam nói rằng: “Quy hoạch của một không gian đô thị phản ánh bản chất và sự đa dạng của các mối quan hệ quyền lực, xã hội và địa vị đã định hình thành phố kể từ nguồn gốc của nó”. Trong suốt thời kỳ Pháp, quy hoạch đô thị đã tìm cách hợp lý hóa quy hoạch không gian bằng cách dung hòa 2 đặc điểm nội tại của hệ thống thuộc địa: Sự chung sống của dân thường và quân đội. Và sau đó, những năm 1960, đánh dấu sự chuyển đổi sang đô thị hóa Việt Nam là kết quả hợp lý của việc chuyển dịch vụ công từ thành phố thuộc địa sang chính quyền mới Việt Nam. Nhìn lại biên niên sử Đà Lạt, người ta phát hiện ra một điều thú vị có tính chất đặc trưng: Đà Lạt từng có mùa trồng cây. Mùa trồng cây được bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11 (vào thời điểm cuối mùa mưa kéo dần sang mùa khô lạnh). Có người nói rằng, cây cối cũng là nhân chứng, là di sản của thành phố. Nói như vậy, một phần làm nên một Đà Lạt mộng mơ hôm nay, có lẽ cũng bắt nguồn từ mùa trồng cây của ngày ấy.

Hôm nay, người ta thấy một Đà Lạt với màu trắng nhờ nhờ của những nhà kính. Màu xanh của những đồi thông phần nào đã “nhường” lại cho màu xanh của hoa màu, của những trang trại cây trái, chăn nuôi gia súc…     

Chúng ta ngày hôm nay, phần nào sẽ chạnh lòng khi biết rằng, bản thân vị bác sĩ Alexandre Yersin lại cảm thấy hơi tiếc vì đã khám phá ra nơi đây và chỉ chỗ nó cho ông bạn Doumer của mình Toàn quyền Paul Doumer tìm kiếm địa điểm để xây dựng một trạm nghỉ dưỡng và Alexandre Yersin đã đề nghị chọn cao nguyên Lâm Viên). Và người ta bắt gặp tâm trạng của Yersin sau nhiều năm kể từ ngày ấy: “Tôi thấy Đà Lạt thay đổi quá và đang trở thành một thành phố thời thượng... những cải tiến ấy, dù cần thiết, chẳng làm tôi thích thú”. “Cao nguyên này, lẽ ra phải để nó lại cho các tộc người miền núi”.

Chờ đợi hồi sinh

Đà Lạt ngày hôm qua cũng thế, ngày hôm nay cũng vậy, vẫn luôn là một thành phố xinh đẹp được nhiều người yêu mến. Nhưng những “vàng son” một thời của Đà Lạt cần được làm sống lại. Như Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu từng chia sẻ, tính chất đặc thù của Đà Lạt được tiến sĩ gọi là ADN của đô thị này bao gồm: Thành phố “thung lũng ngàn hoa”; thành phố nghỉ dưỡng, du lịch; thành phố của biệt thự, công trình tôn giáo; thành phố trung tâm của vùng cao nguyên. Và những ADN này cần được bảo tồn và di truyền trong quy hoạch phát triển Đà Lạt thế kỷ 21.

Đà Lạt là một đô thị độc đáo, khác biệt bởi tính chất đặc trưng về địa lý, khí hậu cho đến không gian kiến trúc, văn hóa địa phương sống động. Thế nhưng bản sắc của đô thị này ngày càng mất đi. Có một thực tế, ở ta, là cứ phát triển đô thị tới đâu là các trung tâm thương mại, khách sạn, resort, nhà nghỉ lại được xây dựng tràn lan tới đó. Mà theo nhận xét của TS. Archie Pizzini - Đại học RMIT (tại TP. HCM), một thành phố phát triển như vậy là một thành phố dành cho những công ty tư bản chứ không phải thành phố dành cho con người.

Một đô thị cần phải có đời sống của nó. Chính điều ấy làm nên phần hồn của đô thị, nếu không đô thị chỉ còn là “cái xác”. Những gì của ngày hôm qua được gọi là ký ức đô thị. Trong một chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Hậu, “phát trển bền vững” chính là thế hệ hiện nay có thể sử dụng và thụ hưởng được tất cả những gì thế hệ trước đây để lại nhưng không được gây tổn hại đến sự sử dụng và thụ hưởng của thế hệ sau. Những “vàng son” của Đà Lạt cần được làm “sống lại”, bắt đầu từ những việc làm thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm của những người yêu quý thành phố xinh đẹp này. Chắc chắn đây là một hành trình dài và không dễ dàng. Nhưng chúng ta, những người phải lòng với một miền thượng mù sương có quyền kỳ vọng, chờ đợi và sẵn sàng góp sức để lưu giữ một Đà Lạt “vàng son”.