Thiệp Tết giữ hồn Xuân

Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 03/02/2019

(TN&MT) - Thiệp Tết là một trong những thú chơi tao nhã của những người yêu chuộng mỹ thuật.
DSC 0658

Ở bất cứ nơi nào và tại Việt Nam, thiệp Tết thường có yếu tố ngoại lai do hoàn cảnh lịch sử. Tuy vậy, từ thập niên 20 của thế kỷ trước, nhất là sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, người dân đã bắt đầu trao đổi nhau những tấm thiệp chúc Tết cứ mỗi thời điểm Xuân sang, Tết đến với hình thức ngày một phong phú.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người ưa thích vẽ thiệp chúc Tết tặng bạn bè hàng năm. Ông chỉ tặng những người thân quen, hoặc có những sự qua lại tình nghĩa. Do vậy, mỗi năm, nhiều nhất ông vẽ chừng 20 tấm thiệp. Điều thú vị là cách đây không lâu, trên sàn đấu giá của Sotheby, bức tranh thiệp Tết vẽ con mèo (năm Đinh Mão) của Bùi Xuân Phái nhỏ bằng bàn tay đã được mua với giá gần 6.000USD.

Trước năm 1975, ở miền Nam, có một số họa sỹ chuyên cung cấp mẩu thiệp Tết cho các nhà sản xuất để gởi bán ở các cửa hàng sách báo vào dịp Xuân, nổi tiếng nhất là thiệp Tết của họa sỹ Vi Vi. Cũng có một số họa sỹ tự thực hiện và phát hành trong một thị trường giới hạn. Loại thiệp này thường vẽ theo lối phóng bút về đề phong cảnh, hoa lá…, phong cách đơn giản mà rất sống động.

Có lẽ so với các môn sưu tập khác, thiệp Tết vẫn là một loại hiếm. Vào năm 2015, tại Triển lãm Tem bưu chính Quốc gia ở Hà Nội, bộ sưu tập thiệp Tết của chị Trần Thị Kim Nhung (Nha Trang) đã được trao giải B dành cho phần triển lãm mở rộng và thu hút sự quan tâm với công chúng. Bộ sưu tập thiệp Tết của chị Nhung có hàng trăm tấm thiệp, rất đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, hình ảnh minh họa (tranh dân gian, các con giáp, danh thắng), được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (giấy dó, vải nhung phủ kim tuyến, kim loại, hoa khô…). Đặc biệt, các tấm thiệp này đa số đều có dấu bưu điện vào ngày 1/1 hoặc ngày mùng 1 Tết hàng năm. Trong số đó, có rất nhiều thiệp chúc Tết của các vị lãnh đạo Nhà nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1968), Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1977 - 1980), Chủ tịch Trường Chinh (1986, 1987), Chủ tịch Võ Chí Công (1988, 1991) và gần hơn là thiệp của Chủ tịch Lê Đức Anh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Trương Tấn Sang. Chị Nhung cho biết: “Tôi có người bạn làm việc ở Văn phòng Chủ tịch nước, nên hàng năm đều nhận được thiệp chúc Tết có chữ ký của Chủ tịch nước”. Theo nhà sưu tập tem Ngụy Như Ánh (Hội Tem Khánh Hòa): “Sưu tập thiệp Tết là một hướng đi khá mới. Giới sưu tập đã đánh giá rất cao bộ sưu tập thiệp Tết của chị Nhung, bởi lâu nay, nhiều người chú trọng sưu tập tem, bì thư mà ít chú ý đến thiệp Tết…”.

Tại Đà Nẵng, anh Võ Văn Phong, vốn là một đại lý kinh doanh sách báo là người có bộ sưu tập thiệp Tết khá đa dạng và quý hiếm. Trong đó, bên cạnh một số thiệp Tết độc bản của một vài họa sỹ, nhà thơ… nổi tiếng còn lưu giữ, anh Phong yêu thích nhất là bộ thiệp Tết của của gần 100 tờ báo quen thuộc. Anh Phong nói: “Tôi làm nghề đại lý sách báo ngay từ những năm đầu giải phóng, nhờ vậy, kể từ những năm 80 về sau, năm nào tôi cũng được các tờ báo gởi tặng thiệp chúc Tết. Những thiệp Tết của báo chí thường có hình thức mỹ thuật đẹp khá đặc sắc so với các loại thiệp thông thường và càng quý hiếm là số lượng phát hành rất hạn chế. Tôi thích nhất là các thiệp Tết của Tạp chí Kiến thức ngày nay, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ… bởi năm nào họ cũng chăm chút tấm thiệp rất bắt mắt, cùng lời cầu chúc khá ấn tượng”.

Một mùa Xuân nữa lại về. Hẳn rằng, trong tay bạn đang có những tấm thiệp Tết xinh xắn với những lời chúc tụng may mắn, an lành. Hãy lưu giữ tất cả để thể hiện sự trân quý những tấm lòng đã quan tâm đến mình và biết đâu không xa, bạn sẽ có một bộ sưu tập độc đáo và quý giá.