Tái hiện “Nét Xuân xưa” nơi phố cổ Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 08:07, 26/01/2019
Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho năm mới với niềm tin và hy vọng về một cuộc sống bình an, ấm lo, hạnh phục. Bởi lẽ ấy, Tết là một dịp sinh hoạt văn hóa mang nhiều ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và cao quý của dân tộc Việt Nam.
Tết Nguyên Đán cũng là một trong những thời khắc quan trọng nhất trong năm, nơi mà mỗi gia đình người Việt có thời gian trở về quây quần bên nhau và tưng bừng du xuân trảy hội. Người lớn tất bật sắm sửa, trẻ em thì nô nức chơi đùa. Trong những ngày xuân như vậy, ai ai cũng đều thấy lòng mình phơi phới, ấm áp đến kỳ lạ.
Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó trưởng ban Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: Để tái hiện được “Nét Xuân xưa” Ban tổ chức chương trình đã lên các phương án kịch bản, tổ chức một chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc sắc diễn ra tại các điểm di tích, các không gian tại khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Tại đình Kim Ngân số 42 và 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm khách tham quan sẽ được tìm hiểu về cách sắp đặt, trang trí không gian sinh hoạt Tết truyền thống của người Việt; Mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình, gồm các đặc sản đặc trưng của Hà Nội.
Bên cạnh đó, tại Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tập trung tái hiện, cũng như giới thiệu những hình ảnh hiện vật về Tết xưa của người Hà Nội và thú chơi cây cảnh, thưởng trà của người Hà Nội xưa.
Trong chuỗi hoạt động này, hình ảnh chú lợn - linh vật biểu tượng của năm Kỷ Hợi 2019, biểu tượng của sự no ấm, đầy đủ luôn xuất hiện trong các bức tranh truyền thống, cũng như các trang trí hiện đại.
Ngoài ra, trong dịp này không gian bích họa phố Phùng Hưng cũng được tổ chức thành không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, Chợ hoa Hàng Lược, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm địa chỉ vui Tết, du Xuân. Không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ được tổ chức từ ngày 22/1/2019 đến hết ngày 24/2/2019.
PGS.TS Đỗ Thị Hảo – Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội chia sẻ: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” những truyền thống, phong tục tốt đẹp, giá trị văn hóa cần được trân trọng, giữ gìn. Trước đây, để có Tết nhà nào cũng phải dành dụm cả năm. Khi cuộc sống ngày nay đã đầy đủ hơn, nhịp sống gấp gáp hơn, Tết thời nay đã có nhiều thay đổi so với trước, không khí vẫn vậy, nhưng phong tục nhiều nơi đã mai một. Dù thế, vẫn rất nhiều người nhớ về nét xuân đậm chất dân gian trước kia.
Cũng vì vậy, cái đích mà Ban tổ chức chương trình hướng đến là cố gắng tái hiện không gian Tết xưa tại các điểm di tích khu vực phố cổ Hà Nội. Đặc biệt tất cả các hoạt động nói trên nhằm phát huy các giá trị truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những hình ảnh thân quen, với bánh chưng, với ông Đồ viết thư pháp, nặn tò he, đóa thủy tiên hay các tranh dân gian ngày tết
Giữ gìn những nét đẹp phong phú và văn minh trong nếp sống ngày Tết của nhân dân ta, đặc nhất là hướng cho các thế hệ trẻ nối tiếp nhau hiểu và trân trọng một nét văn hóa Việt giàu bản sắc dân tộc...