TP. Huế: Di tích Khâm Thiên Giám đang chờ... sập
Văn hóa - Ngày đăng : 15:58, 17/01/2019
Xuống cấp nghiêm trọng
Theo tìm hiểu, Khâm Thiên Giám tọa lạc tại số 82 Hàn Thuyên (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế); được thành lập dưới thời vua Gia Long. Đây từng là cơ quan chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ cho dân.
Ngoài ra, Khâm Thiên Giám còn xem ngày lành tháng tốt để triều đình tổ chức những việc đại sự. Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, vào năm 1918 vua Khải Định cho dời Khâm Thiên Giám từ góc nam của Kinh thành Huế về vị trí hiện tại, đến nay đã tròn 100 năm.
Khâm Thiên Giám đã từng có 7 hạng mục công trình chính: Khâm Thiên Giám nha (nhà chính), cổng chính (nha môn), giếng nước, tường bao quanh, hai nhà tả hữu, bình phong, sân lát gạch vồ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các công trình trong khuôn viên Khâm Thiên Giám đều bị xuống cấp nghiêm trọng, biến dạng và sử dụng sai mục đích.
Từ ngoài nhìn vào cánh cổng phủ đầy rêu phong của di tích, nếu không tìm hiểu trước đó thì có lẽ không ai có thể biết được đó là Khâm Thiên Giám. Tại đây, PV nhận thấy hệ thống mái ngói nứt nẻ nặng, đổ sập gần hết và vương vãi khắp nơi, chỉ còn một vài thanh gỗ cũ kỹ bắc qua. Những cột kèo bằng gỗ yếu ớt bị mối mọt ăn sâu. Nhiều mảng tường ẩm ướt, rêu phủ kín chỉ cần chạm nhẹ là bong tróc. Nhiều người còn nói nên đội mũ bảo hiểm vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chỉ một cơn gió mạnh đi qua cũng rất nguy hiểm...
Điều đáng lo ngại hơn cả là bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi) đã và đang sống trong khu di tích Khâm Thiên Giám suốt hơn 50 năm qua cùng với người cháu ruột. Sự xuống cấp của di tích khiến cho cuộc sống bà Duyệt rất khó khăn.
Bà Duyệt cho biết, bố chồng là người từng làm việc tại Khâm Thiên Giám nên sau đó gia đình ở đây luôn mà không đi đâu cả. “Ở đây sợ lắm, chuyện ngói vỡ rơi xuống nền nhà là thường xuyên. Có lần tui phơi áo quần thì bàng hoàng đứng tim khi đống ngói rơi ngay trước mắt. Còn đến mùa mưa thì nước dột khắp nhà, tôi phải chạy nhanh đi nơi khác vì sợ mưa nặng sẽ sập, nếu không đi thì công an phường cũng bắt đi...” - bà Duyệt lo lắng nói.
Cũng theo bà Duyệt, bà đã từng xin chính quyền sửa nhà nhưng không được cấp phép vì di tích này vốn nguyên trạng là mái ngói. Vì thế bà phải kêu con cháu mua bạt nilông về lợp chồng lên phần ngói cũ để đảm bảo an toàn, ít nhất là mỗi mùa mưa bão...
Một số hộ dân sống trong di tích Khâm Thiên Giám cũng tỏ ra lo lắng cho hoàn cảnh nhà bà Duyệt, họ cũng quan ngại về việc đến nơi ở mới nếu như nhà nước giải tỏa di tích...
Tìm phương án
Dù di tích đang xuống cấp như vậy, nhưng bên trong khu vực gian phòng chính vẫn còn sót lại bức tường lớn vẽ hình các chòm sao được chú thích bằng chữ Hán. Ngoài ra còn có hình vẽ các vì tinh tú theo dạng “bát quái đồ” vô cùng quý báu ở chính giữa bức tường...
Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, khuôn viên Khâm Thiên Giám hiện có 27 hộ dân đang sinh sống. Năm 2013, Trung tâm đã lập dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích này trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ ra văn bản đồng ý. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện do khó khăn về quỹ đất và kinh phí di dời cho các hộ dân.
“Kế hoạch tu bổ di tích của hệ thống Di sản Huế giai đoạn 2016 - 2020 có di tích Khâm Thiên Giám. Tuy nhiên, muốn thực hiện trùng tu thì phải di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng này. Chính vì thế, đây là khu vực được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch thực hiện của đề án di dời cư dân khu vực I Kinh thành Huế vừa mới được UBND tỉnh thông qua...” - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, Trung tâm sẽ trích 30% trong số tổng doanh thu từ việc bán vé tham quan năm 2018 để phục vụ việc giải tỏa mặt bằng trong năm tới, sau đó thuyết phục để di dời hộ bà Duyệt trước rồi chờ vốn ngân sách để trùng tu, tôn tạo di tích sau...
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho công nhân đưa mái tôn để che đậy thay vào phần mái ngói bị đổ sập, cùng với đó dùng hệ thống sắt, gỗ gia cố, chống đỡ hệ khung tạm thời. Điều này được hi vọng là sẽ giúp di tích trụ được mưa bão.