Tránh bệnh thành tích
Văn hóa - Ngày đăng : 09:57, 04/12/2018
Nhìn lại 11 tháng qua, có thể thấy những thành quả đầy ấn tượng của nền kinh tế với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát chặt chẽ. Những kết quả ấy cần phải có một tổng kết để đưa ra những bài học, làm tiền đề cho phát triển những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, qua cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ và từ thực tiễn cũng không khó nhận ra rằng, còn đó bệnh hình thức, còn đó sự lãng phí, không thực chất từ một số phong trào, hội họp. Minh chứng mới nhất là ngày 9/11/2018, Chính phủ đã phải ban hành Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg về Chế độ họp trong quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước.
Từ các chương trình hội họp, tổng kết lại trong năm 2018, thấy phát sốt với bao nhiêu là phong trào được phát động. Có nhiều cái tên nghe đến quen, năm nào cũng thế, năm nào tình hình cũng vậy. Phát động phong trào, tổng kết phong trào và rồi lại phát động là một quy trình thường xuyên lặp đi lặp lại kiểu như: An toàn giao thông, vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chấn hưng văn hoá - giáo dục… Có thể nói Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có truyền thống khá lâu đời về hoạt động phong trào và có bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực này, và cũng là quốc gia có số lượng các phong trào nhiều nhất nhì thế giới.
Phong trào nhiều đến mức bộ nào, ban nào, sở nào, cơ quan nào cũng có những bộ phận chuyên trách. Và các bộ phận này hoạt động ngày càng trở nên chuyên nghiệp với nhiều chuyên gia nổi tiếng về thiết kế phong trào. Cho đến nay chưa có một tổng kết quốc gia nào cho biết một năm đất nước đã chi bao nhiêu tiền cho phong trào, nhưng chắc chắn số tiền đó lên đến hàng ngàn tỉ.
Phong trào có cần không? Chắc chắn là có, nhưng sẽ là có ích nếu nó đáp ứng được một yêu cầu xã hội cấp kỳ. Nhưng đối với những mục tiêu chiến lược lâu dài thì phương cách đạt đến không phải bằng phong trào. Năm nào cũng phát động phong trào như “tháng an toàn giao thông” và triển khai theo đó là lễ phát động rầm rộ với hàng chục xe hoa, hàng ngàn poster treo khắp thành phố, những đợt tập huấn cho hàng ngàn người, đưa hàng ngàn người ra mặt đường tham gia điều tiết giao thông; rồi cơ quan báo chí, truyền hình, các cơ quan, trường học tham gia vào cuộc. Hết đợt là lễ tổng kết hoành tráng với báo cáo dài dằng dặc. Nhưng, rốt cuộc thì tai nạn giao thông không thuyên giảm, năm sau cao hơn năm trước.
Để một xã hội trở nên trật tự hơn, sạch sẽ hơn, văn minh hơn thì không thể trông chờ vào các loại phong trào, mà cái chính là phải xây dựng cho được một thiết chế xã hội có cơ cấu và chế độ hoạt động trơn tru, có cơ chế kiểm soát và đảm bảo cho xã hội luôn vận hành trong trạng thái ổn định.
Phát động phong trào là cần thiết, nhất là khi nó khởi đầu cho một chuỗi các hoạt động. Nhưng quan trọng là, phải duy trì được kết quả, nhân rộng ra, và khi đạt được sự ổn định nào đó thì phải được thể chế hoá để chúng được vận hành theo một hành lang pháp lý. Một khi thành định chế như luật, nghị định, quy chế thì xây dựng các công cụ, lực lượng duy trì nó ổn định lâu dài - đó cũng là cách để không tái lập tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.