Trường THPT dân tộc nội trú: Nơi ươm mầm những tài năng vùng cao xứ Thanh

Văn hóa - Ngày đăng : 13:53, 18/11/2018

(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu của Thầy và Trò, sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thầy trò Trường THPT dân tộc nội trú Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành công, hằng năm 100% học sinh tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi... Đặc biệt, vừa qua Trường đạt giải Ba trong “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”. Nhiều em tốt nghiệp Đại học đã về các bản, làng xa xôi của mình để cống hiến cho bà con các vùng dân tộc xóa đói, giảm nghèo.

Chúng tôi về Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đúng vào dịp thầy, trò vừa nhận được giải Ba “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14”.Là nhóm trưởng của đề tài: “Chế tạo thiết bị thí nghiệm nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân, lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân dùng trong chương trình vật lí và hoá học phổ thông trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14, gặp chúng tôi, em Phạm Tùng Lộc (SN 2001), lớp 12D chia sẻ: “Chúng em thực sự tự hào vì được học trong môi trường tốt như hiện nay. Khi được chọn vào nhóm “nghiên cứu”, lại là nhóm trưởng em vừa mừng vừa lo, bởi ngoài áp lực học tập trên lớp, chúng em còn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ để không phụ lòng tin của thầy cô và bạn bè”.
 

Nhóm Đạt giải Ba trong “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” thuộc về trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa
Nhóm Đạt giải Ba trong “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” thuộc về trường THPT dân tộc  nội trú tỉnh Thanh Hóa

Khi nói về ý tưởng đề tài này, em Phạm Tùng Lộc, bộc bạch: khi học kiến thức về dòng điện trong chất điện phân ở chương trình vật lí lớp 11, chúng em được thầy dạy môn vật lí cho sử dụng “Thiết bị thí nghiệm nghiên cứu dòng điện trong các môi trường” để nghiên cứu về dòng điện trong chất điện phân. Thiết bị thí nghiệm (TBTN) này cho phép tiến hành các thí nghiệm (TN): TN chứng minh nước nguyên chất không dẫn điện; TN chứng minh các dung dịch muối, axit, bazơ dẫn điện; TN khảo sát sự phụ thuộc U – I (vẽ đường đặc tuyến Vôn – Ampe) khi hiện tượng dương cực tan xảy ra; TN minh hoạ sự mạ điện. Tuy nhiên, TBTN này lại không cho phép tiến hành các TN chứng minh hiện tượng dương cực tan xảy ra và tiến hành các TN định lượngđể xây dựng định luật Faraday về hiện tượng này. Trong khi đó, kiến thức về hiện tượng dương cực tan được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và trong kỹ thuật. Vì vậy, chúng em vẫn phải học “chay” kiến thức về hiện tượng dương cực tan và định luật Faraday.

Khi học đến chương “Từ trường” vật lí lớp 11, chúng em được nghiên cứu về lực từ tác dụng lên dòng điện chạy trong kim loại và dòng điện chạy trong chất khí bằng TBTN nghiên cứu lực từ tác dụng lên đoạn dây dẫn mang dòng điện (thuộc danh mục TBTN tối thiểu cung cấp cho các trường PT) và TBTN đo lực lozenxơ. Tuy nhiên, SGK có đề cập đến ứng dụng kỹ thuật của lực từ tác dụng lên dòng điện chạy trong chất điện phân là tàu Ya – ma – tô nhưng chúng em không được nghiên cứu về kiến thức này. Bởi hiện trong các trường phổ thông cũng như đại học và trên thị trường trong, ngoài nước chưa có TBTN nghiên cứu lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân.Vì vậy, chúng em thường có quan niệm sai lầm là “lực từ không tác dụng lên dòng điện chạy trong chất điện phân” và không hiểu nguyên tắc hoạt động của các ứng dụng kỹ thuật của kiến thức này.
 

Các em học sinh miệt mài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của nhà trường
Các em học sinh miệt mài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của nhà trường

Với mục đích là khắc phục được những hạn chế của TBTN hiện có, đồng thời nghiên cứu, chế tạo mới TBTN chưa có. Từ đó, chế tạo mới một TBTN vừa cho phép nghiên cứu dòng điện trong chất điện phân, và vừa cho phép nghiên cứu lực từ tác dụng lên dòng điện trong chất điện phân để sử dụng trong học tập các kiến thức này ở chương trình vật lí và hoá học phổ thông.

Thầy Hà Duyên Tùng, Giáo viên hướng dẫn các em cho biết: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực của cả nhóm. Sau khi hoàn thành bài trên lớp, các em lại miệt mài trong phòng thí nghiệm. Nhiều lần thất bại, nhưng lại phải động viên để các em không nản lòng. Nhờ có sự làm việc nghiêm túc đó, sau 5 tháng nghiên cứu, kết quả là chế tạo được một TBTN thực tập cho phép tiến hành 11 TN”.

Em Phạm Lê Anh (SN 2001), lớp 12A, thành viên của nhóm, chia sẻ: “Khi biết đề tài đạt giải Ba, chúng em vui lắm! Nhưng có được thành công như ngày hôm nay phải kể đến công lao to lớn của thầy Hà Duyên Tùng, cũng như BGH nhà trường, cùng các thầy cô và các bạn đã động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho chúng em hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Được biết, thực hiện đề tài lần này em các em: Phạm Tùng Lộc (SN 2001), lớp 12D, nhóm trường; Phạm Lê Anh (SN 2001), lớp 12A; Nguyễn Thu Hường (SN 2001), lớp 12A; Phạm Khánh Trang (SN 2002), lớp 11A; Bùi Đình Nguyên (SN 2001), lớp 12D.

Không dấu được niềm vui của mình, thầy Phạm Anh Toàn – Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Toàn tỉnh có hơn 20/725 đề tài tham gia dự thi toàn quốc thì đây là đề tài duy nhất đạt giải. Ngoài ra, trong đợt này còn có 02 học sinh tham gia vòng 2 cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn quốc tại Nghệ An (toàn tỉnh có 05 HS được tham gia vòng 2), và 01 em lọt vào vòng chung kết cuộc thi Âm nhạc học đường hòa ca”.

Với truyền thống dạy tốt, học tốt, trong năm học 2017 – 2018, trường có 01 GV được công nhận là GVG cấp quốc gia; 03 GV được công nhân là GVG cấp tỉnh; 02 GV đạt giải Ba cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp; 01 GV đạt giả Ba cuộc thi đoàn viên Công đoàn cơ sở giỏi; 07 GV có sáng kiến kinh nghiệm xếp loại cấp ngành (2 giải B, 5 giải C); có 11 SKKN, trong đó 03 cấp trường, 08 gửi đi cấp ngành và 01 GV được vinh danh là đoàn viên thanh niên tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa. Có 19 giải thi HSG các môn văn hóa cấp tỉnh : 2 Nhì, 4 Ba, 13 KK.Tăng 02 giải nhì, 05 giải KK, tăng 15 bậc so với năm học trước và nhiều giải trong các cuộc thi khác.