Độc đáo hoạt động văn hóa giới thiệu làng nghề truyền thống tại Phố cổ Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 12:40, 10/10/2018

TN&MT) - Ngày 9/10/2010, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm; Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chương trình giới...

(TN&MT) - Ngày 9/10/2010, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm; Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chương trình giới thiệu, trưng bày nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội với chủ đề “Những người thắp lửa làng nghề”.

Độc đáo hoạt động văn hóa giới thiệu làng nghề truyền thống tại Phố cổ Hà Nội
Độc đáo hoạt động văn hóa giới thiệu, trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống kim hoàn tại khu vực Phố cổ Hà Nội

Chia sẻ tại buổi giới thiệu, trưng bày nghề kim hoàn bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ trăm nghề làm nên ba mươi sáu phố phường, với những phố “Hàng” nổi tiếng tại đất kinh kỳ. Khu phố cổ Hà Nội chính là Khu 36 phố phường xưa - nơi tập trung nhiều phố nghề với những ngôi đình thờ Tổ nghề, đây chính là đặc trưng của Khu phố cổ Hà Nội. 

Nằm trong quần thể ấy, Đình Kim Ngân, một di tích kiến trúc - nghệ thuật có giá trị tiêu biểu, là nơi thờ ông tổ bách nghệ. Đình Kim Ngân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2013 với giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của một ngôi đình tổ nghề trong khu phố cổ. Và từ lâu, Đình Kim Ngân đã trở thành một điểm đến du lịch của Hà Nội, đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới tham quan Khu Phố cổ.

Trên đất Thăng Long ngày nay, tín ngưỡng thờ tổ nghề khá đậm nét. Có lẽ ít có đô thị nào ở Việt Nam nhiều đình đền thờ tổ nghề như ở đây. Các cụ ta thường nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, xưa đã vậy và nay cũng vậy. Trau dồi tay nghề, phát triển, sáng tạo thêm cho sản phẩm hàng hóa thêm khéo, thêm tinh xảo là nguyện ước của mọi người thợ thủ công. 

bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết:
Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội chia sẻ tại buổi giới thiệu, trưng bày nghề kim hoàn

Do đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa này nhằm mục đích bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản về nghề truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội, tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của các nghệ nhân, thợ thủ công trong việc bảo tồn nghề. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, giúp cho khách du lịch khi đến với khu Phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung có điều kiện tìm hiểu về các giá trị di sản vật thể cũng như phi vật thể tại khu phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng ngày Du lịch Thế giới 27/9 vừa qua và nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị tổ chức đặt hệ thống máy, tờ rơi giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước thực hiện công tác bình chọn cho Hà Nội là “điểm đến thành phố hàng đầu thế giới, Năm 2018” tại 2 điểm cố định là: Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, P.Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội”. 

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hội làng Nghề Việt Nam cho biết: Việc tổ chức giới thiệu nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, không chỉ phục vụ nhu cầu của khách du lịch mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề, giới thiệu và trình diễn nghề của một số làng nghề kim hoàn. Đồng thời, từng bước tạo hấp dẫn để phát triển phố nghề kim hoàn ngày một thu hút được đông khách hơn.

Lãnh đạo Sở du lịch Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm dành tặng cho các nghệ nhân
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm dành tặng cho các nghệ nhân, những người thắp lửa làng nghề

Tại đây, người dân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, cũng như tìm hiểu về các làng nghề truyền thống của Việt Nam, điển hình như: Làng nghề Đại Bái, Bắc Ninh nơi nổi tiếng về kỹ nghệ đúc đồng, sản xuất ra các sản phẩm về đồ đồng thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Nghề đậu bạc ở Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội với những sản phẩm tinh xảo, nổi tiếng xa gần. 

Nghề bạc ở Châu Khê, Hải Dương với lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ cụ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1494) khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng. Làng nghề chạm bạc ở Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình từ lâu cũng nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những sản phẩm mỹ nghệ (chạm bạc) độc đáo không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn được rất đông du khách quốc tế biết đến, đặc biệt có nhiêu sản phẩm mang tính “cổ vật” để góp sức trùng tu, phục dựng các di tích lịch sử cấp quốc gia, một số như Trường Quốc học Huế, Đền Côn Sơn Kiếp Bạc, Đình Chèm, Chùa Cửa Bắc (Hà Nội), chùa Bái Ðính, Ðền thờ liệt sĩ tỉnh Thái Bình…