Nhiều phát hiện “quý báu” về khảo cổ học được công bố tại Huế

Văn hóa - Ngày đăng : 19:34, 01/10/2018

(TN&MT) - Những phát hiện, nghiên cứu mới về khảo cổ học là những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu lịch sử hình thành con người và dân tộc Việt Nam. Qua đó góp phần tích cực trong việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Hội nghị “Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53 năm 2018” vừa được diễn ra tại Huế
Hội nghị “Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53 năm 2018” vừa được diễn ra tại Huế

Trong hai ngày 29 và 30/9 vừa qua, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức hội nghị “Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53 năm 2018”.

Hội nghị được tổ chức hàng năm, là sự kiện khoa học lớn nhất của các nhà khảo cổ học và những người quan tâm, yêu mến... Khảo cổ học Việt Nam. 

Hơn 350 bài báo cáo

GS.TS Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam chia sẻ rằng, di sản văn hóa và việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản trong đời sống xã hội, cộng đồng ngày càng được quan tâm đặc biệt mà di sản văn hóa trong lòng đất do khảo cổ học đem lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Rất nhiều hội thảo về vấn đề bảo vệ di sản ở các cấp đã được tổ chức...

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đánh giá “cái gì cũng có thể xây dựng được, sản xuất được, sáng tạo được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy tuyệt đối không thể quay lung với di sản, không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ lý do gì...”- GS.TS Phạm Văn Đức cho hay.

Các nhà khoa học, các đại biểu... tìm hiểu những thành quả của khảo cổ học 2018 ở gian trưng bày
Các nhà khoa học, các đại biểu... tìm hiểu những thành quả của khảo cổ học 2018 ở gian trưng bày

Hội nghị được trình bày tại 4 tiểu ban: KCH Tiền sử, KCH Lịch sử, KCH Champa - Óc Eo và KCH dưới nước. Nội dung các báo cáo đề cập đến nhiều vấn đề mới về KCH trong năm như: thông báo mới về các di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê, phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc, những kết quả phân tích đầu tiên của chương trình hợp tác nghiên cứu về ADN trong khảo cổ học giữa Việt Nam và Đan Mạch...

Hội nghị có sự tham gia của gần 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu khảo cổ học và các lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội và tự nhiên, cơ quan quản lý văn hóa, bảo tàng học; với 356 tham luận. Trong đó, có 115 thông báo về KCH Tiền sử, 184 bài về KCH Lịch sử, 41 bài về KCH Champa - Óc Eo, 10 bài về KCH Dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung trong ngành...

“Đã đến lúc Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các hoạt động liên quan đến KCH cộng đồng, hướng đến việc tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa”- PGS. TS Nguyễn Giang Hải, Giám đốc Viện Khảo cổ học nhấn mạnh tại hội nghị.

Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong hội nghị đã giới thiệu Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Từ thời Tiền sử đã là trung điểm giao thoa giữa hai nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, gồm Đông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở phía Nam. Đây cũng là nơi từng phát hiện vô số các di tích di chỉ Champa nổi tiếng, là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Chính vì vậy, ông bày tỏ mong muốn được các nhà KCH trong cả nước quan tâm nhiều hơn đến vùng đất Thừa Thiên Huế, tiếp tục có những hợp tác hỗ trợ thúc đẩy ngành KCH địa phương và bảo tồn di sản văn hóa của cố đô Huế.

Những phát hiện mới và quý giá về khảo cổ học tiền sử (ảnh)
Những phát hiện mới và quý giá về khảo cổ học tiền sử 

Nhiều phát hiện quý giá...

Nhìn chung trong năm 2017 - 2018, hoạt động khảo cổ học tại Việt Nam đã diễn ra rất sôi nổi, rộng khắp và đạt hiệu quả cao nhờ sự vào cuộc và đồng bộ của nhiều cấp, ban ngành...

Theo đó, Viện KCH tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Nga) và Sở VHTT&DL Gia Lai khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng (gồm: Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7) và thám sát Rộc Tưng 6 và 8 thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Kết quả khai quật lần này, bước đầu ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại nhóm di tích cư trú là chính, tiêu biểu là Rộc Tưng 1, bên cạnh các di tích hoạt động chế tác công cụ là chính như Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Tổ hợp công cụ đá ở các địa điểm này về cơ bản giống nhau, và là của một cộng đồng cư dân cổ, có niên đại đồng vị phóng xạ Kali Argon như đã phân tích các mẫu tectit ở Rộc Tưng 1 là 782.000 ±20.000 năm BP và Gò Đá là 806.000 ±22.000 năm BP. Tất cả di tích và di vật của hố khai quật Rộc Tưng 1 đã được bảo lưu tại chỗ trong nhà mái che và là điểm tham quan, nghiên cứu duy hất hiện nay về khảo cổ học sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam. Kết quả khai quật KCH tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á, đã gây chấn động giới khảo cổ, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Đoàn nghiên cứu cũng đã tiến hành khảo sát xung quanh Núi Đất, thuộc địa phận xã Thành An, phát hiện 4 điểm có công cụ đá cũ phân bố trên bề mặt, được đặt tên theo trật tự phát hiện, từ Núi Đất 1 đến Núi Đất 4. Ngoài ra, Viện Khảo cổ học còn phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khai quật thăm dò tại 3 địa điểm Chàng Hai, Sình Mây, buôn Tơ Roa (xã Cư A Mung, huyện Ea Hleo). Kết quả cho thấy tầng văn hóa các di chỉ này khá mỏng, mang tính chất di chỉ xương có niên đại khoảng 3000- 2500 năm cách ngày nay.

Khảo cổ di tích quốc gia Hải Vân Quan và làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích này thời Nguyễn...
Khảo cổ di tích quốc gia Hải Vân Quan và làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích này thời Nguyễn...

Khai quật di tích Khu Đường (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) còn phát hiện 6.717 mảnh gốm và 78 hiện vật đá của các loại hình rìu, bôn, mảnh vòng tay. Kết quả khai quật tiếp tục khẳng định Khu Đường là một di tích cư trú một tầng văn hóa thuần nhất, thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên điển hình.

Về văn hóa Champa, vào tháng 8 vừa qua, Bộ môn Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khai quật di tích Ruộng Đồng Cao. Kết quả lần này cùng hai lần khai quật trước cho thấy trên sườn nam của Ruộng Đồng Cao có những tích tụ dấu tích văn hóa cổ tập trung thành từng đám, kiểu sinh hoạt hay cư trú ven dòng chảy. Di vật chủ yếu là đồ gốm Champa điển hình của thời kỳ từ cuối thế kỷ 3 đầu thế kỷ 4 đến thế kỷ 5-6.

Liên quan đến văn hóa Óc Eo, cuộc khai quật di tích kiến trúc cổ An Phong (Bến Tre) đã làm rõ một phần nền móng kiến trúc đài điện Hindu giáo. Các hiện vật tìm thấy trong hố khai quật, thám sát và ở các vị trí xuất lộ bề mặt cho thấy sự liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn, ít nhất từ thời kỳ văn hóa Óc Eo cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo và cả các thời kỳ muộn hơn.

Ở Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh và Viện KCH khai quật thăm dò di tích gò Dương Xuân nhằm bổ sung tư liệu, nghiên cứu giai đoạn lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Tại đây đã phát hiện các di tích liên quan đến mộ táng, di tích nền, móng cát sỏi và kiến trúc đá. Bên cạnh đó, nhằm thu thập các cứ liệu khoa học, phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, hoạt động khảo cổ cũng đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích này thời Nguyễn và một số dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.

Những phát hiện mới về khảo cổ học sẽ giúp các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình nghiên cứu, góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản trong lòng đất
Những phát hiện mới về khảo cổ học sẽ giúp các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình nghiên cứu, góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản trong lòng đất

Về khảo cổ học dưới nước, đáng chú ý là trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác quốc tế về khảo cổ học dưới nước năm 2018 giữa nhóm chuyên gia quốc tế VMAP với Viện KCH và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, đoàn đã tiến hành thám sát di tích Đồng Chổi (Vân Đồn, Quảng Ninh).

Kết quả cho thấy dấu tích cư trú của con người thời kỳ văn hóa Hạ Long được phát hiện phân bố rộng trên gò đồi Đồng Chổi với mật độ dày đặc và số lượng rất lớn mảnh gốm cùng nhiều loại hình công cụ đá. Đoàn nghiên cứu nhân định rằng, tiềm năng nghiên cứu về các nhóm cư dân này và quan hệ giao lưu- trao đổi của họ với các nhóm dân cư khác là rất lớn. Đây cũng là giá trị đặc biệt quan trọng của lịch sử sớm hơn ở thương cảng Vân Đồn từ nhiều ngàn năm về trước...

Những phát hiện, nghiên cứu mới về KHC là những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu lịch sử hình thành con người và dân tộc Việt Nam. Qua đó góp phần tích cực trong việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.