Vụ xã thu tiền tổ chức lễ hội đâm trâu ở Huế: Bộ VHTT&DL yêu cầu xác minh, xử lý

Văn hóa - Ngày đăng : 10:47, 30/08/2018

(TN&MT) - Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đã yêu cầu cơ quan chức năng ở Thừa Thiên Huế xác minh vụ việc thu 300.000 đồng mỗi hộ dân để tổ chức lễ hội đâm trâu...
Trụ sở UBND xã Hồng Tiến
Trụ sở UBND xã Hồng Tiến
 

Liên quan đến vụ việc “Xã nghèo thu 300.000 đồng đóng tiền lễ hội đâm trâu, dân bức xúc” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang phản ánh, sau khi biết được thông tin, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã ký công văn gửi Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu kiểm tra việc UBND xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà) thu tiền 300 ngàn đồng mỗi hộ dân để tổ chức lễ hội đâm trâu.

Theo đó, Cục Văn hoá cơ sở nêu rõ, báo chí phản ánh yêu cầu thu tiền dân để tổ chức lễ hội đã gây bức xúc cho người dân trong xã. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, tại công văn, Cục đề nghị Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện việc kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của báo chí về kế hoạch tổ chức lễ hội đâm trâu xã Hồng Tiến. Từ đó có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời xử lý những vi phạm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Sở VH &TT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được yêu cầu tiến hành rà soát hồ sơ về nguồn gốc, quy trình tổ chức lễ hội đâm trâu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú trọng việc không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc; không cấp phép tổ chức lễ hội đâm trâu mà không phải là lễ hội truyền thống, vì mục đích trục lợi cá nhân.

“Lễ hội truyền thống thì không thể thu tiền của dân, vì trách nhiệm tổ chức lễ hội thuộc trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, cần xác nhận thông tin một cách chính xác là áp đặt thu hay chỉ vận động người dân, trên cơ sở tự nguyện như thực hiện việc làm công đức chẳng hạn!”- bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở chia sẻ với báo chí.

Công văn cũng đề nghị Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghiêm Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Nghiêm cấm việc thương mại hóa lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm” và các quy định pháp luật hiện hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh, góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương tới nhân dân và bạn bè quốc tế. Báo cáo gửi về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 10/9/2018 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Lễ hội đâm trâu từng được tổ chức tại Thừa Thiên Huế nhưng nay đã xóa bỏ
Lễ hội đâm trâu từng được tổ chức tại Thừa Thiên Huế nhưng nay đã xóa bỏ
 

Đã cho dừng lễ hội

Cũng liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Xuân Ty - Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, lãnh đạo thị xã không có chủ trương như vậy và việc UBND xã Hồng Tiến vận động người dân đóng góp kinh phí để tổ chức lễ hội là việc làm tùy tiện, sai trái.

“Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền xã Hồng Tiến phải chấm dứt ngay việc thu tiền từ người dân, đồng thời có báo cáo cụ thể để thị xã xử lý trách nhiệm đối với những người liên quan. Kế hoạch tổ chức lễ hội đâm trâu cũng sẽ dừng ngay...”- ông Ty nói.

Đại diện Sở VH&TT Thừa Thiên Huế cũng cho biết đang vào cuộc phối hợp với các địa phương để xử lý vụ việc; quan điểm của Sở là không đồng ý với việc trên.

“Nhiều địa phương khác họ đã bỏ tục đâm trâu rồi, tại sao mình lại tổ chức. Thu tiền của người dân để tổ chức lễ hội như vậy thì càng sai. Tôi sẽ cho xử lý ngay”- ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao nói.

Trước đó, như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, các già làng, trưởng bản tại xã miền núi Hồng Tiến đã họp và thống nhất tổ chức lễ hội đâm trâu diễn ra vào ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) sắp tới. Thời gian tổ chức dự kiến kéo dài khoảng một ngày rưỡi, quy mô gồm 5 thôn trên địa bàn với sự tham gia của cộng đồng các dân tộc Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu và cả người Kinh có nguyện vọng được tham gia.

Để có nguồn kinh phí tổ chức lễ hội, UBND xã Hồng Tiến đã ban hành chủ trương vận động mỗi hộ dân trên địa bàn xã đóng góp 300 nghìn đồng.

Tuy nhiên, người dân xã Hồng Tiến cho rằng, chủ trương đóng 300 nghìn đồng để làm lễ hội là không hợp lý, gây bất bình trong đời sống nhân dân. Bởi do kinh tế khó khăn, hơn 80% người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, việc xã thu với số tiền như vậy là quá lớn...

“Ngày nào tôi cũng làm nương rẫy, không có thu nhập ổn định nên 300.000 đồng là một số tiền lớn. Bưa ăn hằng ngày còn không đảm bảo thì biết lấy đâu ra tiền đóng? Mà không đóng thì khi có giấy tờ cần xã chứng thực đều bị trả về với lý do chưa nộp tiền lễ hội đâm trâu”- bà Bà Lê Thị M. (trú xã Hồng Tiến) chia sẻ.

Một số người dân thì cho rằng, lễ hội đâm trâu “đáng sợ” nên họ không muốn xem, không muốn xã tổ chức vì thế họ không nộp tiền.

Ông Lê Văn Hoà - Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết, chủ trương này dựa trên đề nghị của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đề xuất. Sau khi có kế hoạch tổ chức lễ hội đâm trâu, chính quyền xã đã tuyên truyền vận đồng bà con đóng góp khoản thu nêu trên.

Theo ông Hoà, toàn xã Hồng Tiến có 347 hộ dân, trong đó 46 hộ nghèo. Hiện tại xã đã thu được tiền của 50 hộ.

“Xã đã nhận được chỉ đạo của UBND thị xã Hương Trà về việc dừng tổ chức lễ hội đâm trâu. Xã sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã thu của các hộ dân...”- ông Hòa cho hay.

Được biết, trước đây Thừa Thiên Huế tồn tại tập tục này ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Tuy nhiên, cho rằng việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực là trái với chủ trương của ngành văn hóa nên các ban ngành tỉnh này đã nỗ lực vận động 2 huyện không tổ chức cũng như dần xóa bỏ...