Đắk Lắk: Tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước
Văn hóa - Ngày đăng : 19:54, 30/08/2018
Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 15 huyện, thị xã, thành phố, với 184 xã, phường, thị trấn; 2.481 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số trên 1,8 triệu người, gồm 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh, đã được các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm mới, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công tác “Dân vận khéo”.
Công tác “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực học tập, lao động, sản xuất xây dựng đời sống ấm no, vươn lên làm giàu chính đáng; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tăng cường công tác đối thoại với nhân dân, tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an ninh - trật tự tại địa phương.
Hiện nay, công tác dân vận trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được phát huy và thấy rõ nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Công tác dân vận đã tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường nông thôn mới, làm trường học; người dân cũng đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhiều tuyến đường bê tông giao thông nông thôn…
Đến nay, Đắk Lắk đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt từ 12 đến 13 tiêu chí. Tại Hội nghị, các đại biểu đã giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm trong công tác dân vận tại một số địa phương. Các đại biểu cũng đã chia sẻ: công tác dân vận phải gắn với đời sống thực tiễn, gắn với văn hóa của mỗi dân tộc và tình làng nghĩa xóm. Khi người dân nghe, thấu hiểu và thống nhất thực hiện thì các phong trào tại cơ sở, tại địa phương sẽ thực hiện nhanh chóng có kết quả tốt.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn đánh giá cao những đóng góp của các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào dân vận gắn với việc học tập và làm theo lời Bác; đổi mới công tác dân vận phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương; chủ động, sáng tạo thực hiện tốt công tác dân vận. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự tại địa phương.