Dự án Lancaster Nam O Resort: Chưa kịp xếp hạng di tích đã giao đất cho chủ đầu tư
Văn hóa - Ngày đăng : 15:04, 20/07/2018
Theo ông Hùng, năm 2014, quy hoạch dự án được phê duyệt. Trong quy hoạch cũ, có nhiều di tích như miếu Âm linh, miếu bà Liễu Hạnh, lăng Ông... đã được giữ lại.
"Tuy nhiên, vừa rồi, dư luận chúng ta rất quan tâm đến các di tích này. Qua đề nghị của quận Liên Chiểu, chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng thì Sở Xây dựng đã làm việc với chủ đầu tư. Cơ bản, chủ đầu tư vẫn thống nhất điều chỉnh lại dự án này theo hướng vừa giữ lại, vừa tôn tạo di tích"- ông Hùng nói.
Cũng theo vị Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, sắp tới sẽ có báo cáo quy hoạch dự án Nam Ô này trình lên lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng nhằm mở rộng thêm các lối xuống biển, các đường dân sinh và lấy lại bãi cát để phục vụ cho cộng đồng theo đúng tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng nhìn nhận, vấn đề di tích - di sản đang được quan tâm rất nhiều. Theo ông Hùng, ở TP. Đà Nẵng hiện có 1 di sản Quốc gia đặc biệt, 8 di sản Quốc gia vật thể, 4 di sản phi vật thể, 3 bảo vật Quốc gia và 48 di tích lịch sử cấp thành phố. So với các địa phương khác thì khối di tích của TP. Đà Nẵng quá khiêm tốn.
"Một thời gian dài, các di tích kể cả di tích rất quan trọng không được quan tâm đúng mức. Hiện, vấn đề bảo vệ di tích được chú trọng nhiều hơn... Nếu chúng ta xử sự không tốt với các di tích, các dấu ấn xưa để lại thì tương lai con cháu chúng ta sẽ xử sự lại với chúng ta còn hơn thế nữa"- ông Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của di tích, di sản.
Nói về dự án Nam Ô, ông Hùng cho hay, trước khi giao đất cho chủ đầu tư Trung Thủy thì ngành Văn hóa - Thể thao đã kiểm kê di tích. Theo quy định, kiểm kê xong sẽ tính toán và làm hồ sơ xếp hạng. Ở dự án này có đến 6 di tích (lăng Ông, miếu Âm linh, giếng Chăm, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, mộ Tiền hiền).
Được đánh giá là ít di tích - di sản, nhưng với 1 ngôi làng Nam Ô có đến 6 di tích, TP. Đà Nẵng lại quá vội vàng trong việc giao đất, dẫn đến câu chuyện "đối xử" chưa thật đúng với di tích - di sản.
Ông Hùng thừa nhận rằng đã có những khiếm khuyết xảy ra với 6 di tích trên, TP. Đà Nẵng chưa kịp xếp hạng thì đã giao đất cho Trung Thủy. "Ngành Văn hóa cũng có thiếu sót. Lẽ ra khi giao đất phải dùng luật Di sản để bảo vệ di tích tâm linh nhưng lúc bấy giờ, ngành Văn hóa lại không có phản ứng gì. Sau khi đất thuộc về phía Trung Thủy thì người dân họ phản ứng..."- ông Hùng giải bày.
Vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng cũng ghi nhận sự vào cuộc thông tin tích cực của các cơ quan báo chí trên tinh thần bảo vệ di tích, di sản, hỗ trợ ngành Văn hóa địa phương lên tiếng kịp thời. Mới đây, kết luận của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu chủ đầu tư phải bảo vệ nguyên trạng và giao cho ngành Văn hóa "sửa sai", lên kế hoạch xếp hạng.
"Chúng tôi dự định trong năm 2018, 6 di tích mà tôi vừa kể ra sẽ tạo thành 1 cụm di tích Nam Ô. Chúng tôi sẽ làm hồ sơ khoa học, xếp hạng. Sau khi xếp hạng thì lập tức tiến hành phối hợp cùng UBND quận Liên Chiểu có kế hoạch trùng tu cụm di tích"- ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Như Báo TN&MT đã thông tin, dự án Nam Ô trở nên tai tiếng trong mắt dư luận cả nước khi bị hàng trăm người dân phản đối vì "chặn lối đi xuống biển của họ". Cụ thể, giữa tháng 3/2018, hàng trăm người dân làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam tập trung phản đối vì lý do dự án Nam Ô ngang nhiên rào chắn lối đi xuống biển của họ. Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm của người dân buộc chính quyền quận Liên Chiểu và đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã "vi hành" giữa trưa để lắng nghe ý kiến, xem xét quy hoạch dự án nhằm đưa ra giải pháp hợp lòng dân, đúng quy định.
Theo tài liệu từ phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, từ năm 2010 - 2014, dự án này liên tục xin thay đổi quy hoạch... Đáng nói, ở các quyết định sửa quy hoạch đều nêu chỉnh sửa bố trí lại các di tích cho phù hợp. Nhưng thực tế, qua các lần thay đổi ấy, diện tích các điểm này chẳng còn là bao, các điểm cộng đồng như ghềnh đá bị cắt giảm còn mạnh hơn, có cái đã biến mất hoàn toàn... Trong khi đó, đất dành cho biệt thự cứ ùn ùn tăng (từ 22.000m² lên tới 63.000m²)... Đến nay, theo thông tin từ UBND quận Liên Chiểu hay sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, chủ đầu tư Trung Thủy rất thiện chí và hợp tác trong việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng bảo tồn di tích lịch sử, tâm linh.