Tác nghiệp mùa lũ dữ

Văn hóa - Ngày đăng : 08:28, 21/06/2018

(TN&MT) - Sơn La đang bước vào những ngày đầu mùa mưa lũ 2018. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cho người dân luôn là vấn đề khiến những người làm báo chúng tôi trăn trở.

Còn nhớ, đêm ngày 2/8/2017, cơn lũ lịch sử bất ngờ ập xuống, gần như phá hủy hoàn toàn huyện Mường La của tỉnh Sơn La. Nhận được thông tin, chúng tôi lập tức lên đường đến địa phương. Con đường hơn 40km, bình thường chỉ mất khoảng 1 giờ di chuyển, giờ lại gian nan hơn bao giờ hết. Mưa lũ đã cuốn phăng cây cầu nối giữa trung tâm huyện Mường La và các xã Nặm Păm, Ngọc Chiến, Hua Trai… Để đến với người dân vùng lũ, chúng tôi phải di chuyển trên đường bộ liên tục nhiều giờ đồng hồ.
 

Người dân bản Hua Nặm, xã Nặm Păm, huyện Mường La sau trận lũ lịch sử
Người dân bản Hua Nặm, xã Nặm Păm, huyện Mường La sau trận lũ lịch sử

Nơi rốn lũ, những nếp nhà sàn bên những mảnh ruộng xanh tươi ngày nào, giờ chỉ trơ lại đá, sỏi. Trên những khoảng đất trống, những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác nhìn theo từng đoàn cứu trợ. Trưởng bản Hua Nặm Lò Văn Biên, kể lại: Lúc ấy khoảng 8h tối, trời bắt đầu mưa to. Khi thấy mưa tiếp tục to hơn, rất khác thường, tôi cùng các đồng chí cán bộ bản đã nhanh chóng cảnh báo trên loa cho người dân rằng, bản mình chắc chắn không ở được rồi, yêu cầu bà con khẩn trương di dời lên cao. Vừa tới nơi, thì nước tràn về, ngập hết. Nhờ đó, dù bản nằm ngay giữa lòng suối, rất may không có thiệt hại về người. Nhưng tài sản của người dân thì gần như mất trắng.

Không đầy hai tháng sau, một trận lũ quét bất ngờ lại ập về huyện Phù Yên, Sơn La. Lúc ấy, chúng tôi đang ở huyện Mường La để ghi nhận tiến độ khắc phục hậu quả thiên tai. Nhận được chỉ đạo từ Ban biên tập, chúng tôi lại lập tức xuất phát xuống huyện Phù Yên, nhưng con đường huyết mạch nối với thị trấn và 6 bản vùng Mường cũng đã bị phá hủy. 3 ngày sau, chúng tôi mới có thể vào với người dân vùng lũ.

Tác nghiệp vùng lũ, không thể kể hết những khó khăn, vất vả, cùng những hiểm nguy. Điều khiến chúng tôi ấm lòng là nhờ thông tin được kịp thời truyền tải, những tấm lòng hảo tâm từ mọi miền đất nước đã đến với người dân vùng lũ, kịp thời sẻ chia những mất mát đau thương, hỗ trợ không để người dân phải chịu đói, thiếu nơi ở.

Tác nghiệp vùng lũ, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều những câu chuyện đau thương. Những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con… cùng những lo lắng vì tương lai mịt mờ phía trước.
 

Tác nghiệp nơi rốn lũ Nặm Păm
Nậm Păm - Nơi rốn lũ đi qua 

Có thể nói, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được tỉnh Sơn La đề ra hàng năm. Trong đó, đã tập trung rà soát, di dời người dân khỏi các vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Những cuộc diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng được triển khai đồng bộ ở các địa phương. Ban chỉ huy PCTT&TKCN được thành lập ở các cấp, kịp thời thông tin cảnh báo thiên tai cho người dân.

Nhưng đau xót thay, con số thương vong, thiệt hại vẫn quá lớn. Nguyên nhân vì đâu? Vẫn biết rằng, thiên tai là nhân tố bất khả kháng, nhưng nhân tố chủ quan do con người cũng rất lớn. Bởi phong tục tập quán của người dân vùng cao vẫn quen sinh sống bên bờ suối. Cũng có trường hợp người dân vì cố gắng cứu vớt tài sản, dẫn đến kiệt sức, không kịp đến nơi an toàn.

Mùa mưa lũ năm 2018 giờ mới bắt đầu. Nhưng từ đầu năm tới nay, những trận mưa đá, giông lốc cũng khiến Sơn La chịu nhiều thiệt hại về người và của. Trong khi biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng rõ rệt và khắc nghiệt, những trận lũ ống, lũ quét có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả truyền thông để nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai cho người dân? Làm thế nào để người dân thay vì bị động, có được sự chủ động, tự giác, chủ động để thích ứng, được trang bị kỹ năng ứng phó với các dạng thiên tai? Đó cũng là một trong những trăn trở của người làm báo chúng tôi.