Kỷ niệm 9 năm Cù Lao Chàm Hội An được Unesco công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 17:26, 27/05/2018
Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju Hàn Quốc Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của Unesco đã công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Để chào mừng kỷ niệm 9 năm được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, TP. Hội An đã tổ chức chuỗi hoạt động kéo dài từ ngày 21/5 – 5/6. Trong đó, tiêu điểm là lễ kỉ niệm diễn ra tối qua (26/5) tại đảo Cù Lao Chàm với sự tham dự của các đại biểu đến từ các Bộ ngành, lãnh đạo địa phương, đại diện tổ chức Unesco tại Việt Nam cùng người dân và khách du lịch trên đảo.
Có thể nói, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là sự ghi nhận của thế giới về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các cấp chính quyền địa phương, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục trong công tác bảo tồn và phát triển những giá trị về đa dạng sinh thái mang tầm ý nghĩa toàn cầu.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 9 năm, Cù Lao Chàm được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nhấn mạnh: Cho đến nay, Cù Lao Chàm đã có những bước thay đổi chuyển mình khá mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ tài nguyên - môi trường. Đời sống người dân ngày được nâng lên, chất lượng môi trường được cải thiện đáng kể. Những chương trình như: Phân rác tại nguồn, xử lý rác thải bằng công nghệ compst, cuộc vận động nói không với túi nilon đã được người dân và du khách nhiệt tình hưởng ứng và sắp tới là chương trình không sử dụng ống hút nhựa, các sản phẩm từ nhựa. Chính điều này đã thu hút được các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học giáo dục, đào tạo và những tình nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới đến với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Các giá trị đặc trưng nổi trội của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm chính là: khu bảo tồn được thiết lập năm 2006 thuộc hệ thống các khu bảo tồn cấp quốc gia như phố cổ Hội An di sản văn hóa được Unesco công nhận năm 1999; rừng ngập mặn với đặc trưng hệ sinh thái dừa nước vùng cửa sông Thu Bồn; rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm, hệ thống rừng phòng hộ ven biển; các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Cục bảo tồn và đa dạng sinh học, Bộ TN&MT cho biết: Phải khẳng định, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang được bảo tồn theo đúng kế hoạch và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 9 năm khu dự trự sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được Unesco công nhận là mốc thời gian quan trọng để nhìn nhận, đánh giá quá trình vận hành và phát triển, làm cơ sở để Unesco xem xét việc duy trì danh hiệu và quảng bá hình ảnh Cù Lao Chàm – Hội An đến với toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức từ tự nhiên và từ chính con người như: bão, lụt, tình trạng sạt lở bờ biển, những hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép và hiện tượng lắng đọng trầm tích trên các rạn san hô, thảm cỏ biển tại Cù Lao Càm đã ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Vì thế trong thời gian đến, Nhà nước, các tổ chức khoa học, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ cùng nhau hợp tác song hành trên mọi phương diện, mọi hoạt động góp sức vào công cuộc bảo tồn các giá trị, tài nguyên của khu dự trữ sinh quyển, làm nền tảng cho sự phát triển sinh kế cộng đồng, hướng tới môi trường xanh, phát triển bền vững.