Tổ chức lễ đón bằng di sản UNESCO đối với Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ

Văn hóa - Ngày đăng : 15:59, 04/05/2018

(TN&MT) – Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn...
(TN&MT) – Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức vào ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
 
Ngày mai, mùng 5/5, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình sẽ do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Vương Duy Biên làm Tổng đạo diễn, với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi tham gia, trình diễn.
nghe thuat bai choi
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ vào tối 5/5
Chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện này sẽ mang chủ đề Âm vang nghệ thuật Bài Chòi và được chia làm 3 chương. Chương 1 nói về quá trình hình thành và phát triển của Bài Chòi. Chương 2 tập trung nhấn mạnh nét văn hóa này đặc sắc của người miền Trung Việt Nam. Chương 3 nói về sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi của khu vực Nam Trung Bộ.
 
Cũng tại sự kiện này, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch sẽ công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam. Một số công việc dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2018 và thời gian tới sẽ được Bộ này thực hiện như: tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ; phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.