“Văn hiến kinh kỳ” tại Festival Huế 2018 tái hiện “sử thi” hào hùng nước Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 09:54, 01/05/2018
“Văn hiến Kinh kỳ”- một trong những chương trình nghệ thuật “đinh” đặc sắc nhất tại Festival Huế 2018 đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế dàn dựng, thực hiện tại sân điện Cần Chánh (Đại nội Huế) trong hai đêm 28 và 30/4.
Chương trình có sự đầu tư kỹ lưỡng từ chất liệu lịch sử, văn hóa và con người xứ Thuận Hóa xưa kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác... nhằm tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc một cách đầy đủ và chân thực nhất.
Theo đó, đã có gần 400 diễn viên, nghệ sĩ tham gia biểu diễn bằng chất liệu 9 bài thơ trên di tích cố đô Huế; 12 bài bản âm nhạc và 12 điệu múa bao gồm nguyên bản, phát triển và sáng tác mới trên nền tảng truyền thống, với hơn 100 loại đạo cụ, hơn 60 loại phục trang...
Chương trình hấp dẫn với 3 chương gồm: Thống nhất giang sơn, Đất nước thái bình và Ngàn năm văn hiến. Với cách dàn dựng công phu, thực hiện chuyên nghiệp; chương trình đã cuốn hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng từng màn biểu diễn... Đặc biệt, chất sử thi của vở diễn được khái quát một cách thi vị qua kết cấu từng chương hồi. Các tiết mục theo các hồi trong 3 chương được kết nối với nhau bằng thủ pháp đồng hiện, làm bật lên chủ đề di sản được khai mở, phát triển theo lịch sử.
Cụ thể, chương 1 kể về quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân Việt Nam dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn.
Chương 2 kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình được mở ra với muôn dân trăm họ được thể hiện qua các hồi Vận mới thái bình, Điềm lành mở lối, Mùa vụ bội thu, Xuân nghênh khánh hỷ. Giang sơn củng cố, đất nước bước vào cảnh thái bình với những vận hội mới: Dấy nghiệp văn thôi võ; Lúc biển lặng sóng yên; Nghi thức theo điển lệ; Lễ nhạc cử uy nghiêm (Thơ trên điện Thái Hoà).
Chương 3: Đất Kinh kỳ hội tụ, Thuận Hoá - Phú Xuân xưa thực sự là chiếc nôi sản sinh những khúc điệu vang ngân trong không gian và thời gian, để nuôi dưỡng một tình yêu lịch sử và thiên nhiên sâu thẳm. Tiếng ngân nga huyễn hoặc chất chứa bao xúc cảm, ru vỗ cõi nhân sinh. Theo thời gian, bao nhiêu thịnh suy, hưng phế cũng đều tan hoà quá vãng, nhưng vẫn đọng lại trong cõi đất trời một nền Văn hiến rực rỡ đến ngàn năm...
Có mặt tại khán đài sân khấu từ sớm, chị Hoàng Thị Nga (TP. HCM) không giấu được sự trầm trộ, thán phục khi xem xong chương trình. “Tôi thấy đây là chương trình hay nhất của Festival Huế năm nay, toàn bộ lịch sử xưa được tái hiện rất thiêng liêng, hoàng tráng khiến tôi cùng con trai rất thích thú, không thể rời mắt được. Thật tuyệt vời...”- chị Nga chia sẻ.
Được biết, Cố đô Huế là nơi ẩn chứa biết bao ký ức về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Kể từ năm 1802 đến năm 1945, triều Nguyễn trải qua gần 150 năm tồn tại và để lại cho hậu thế một phức hệ di sản với nhiều loại hình phong phú...
Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, “Văn hiến Kinh Kỳ” được kể trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. “Chương trình là câu chuyện hấp dẫn tái hiện niềm tự hào của một vùng đất di sản. Sau Festival Huế 2018, đây sẽ là sản phẩm dịch vụ bổ sung cho Đại Nội mở cửa đón khách về đêm...”- ông Hải cho hay.
Một số hình ảnh được PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường ghi nhận được về chương trình đặc sắc này: