Đến Cố đô Hoa Lư chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia
Văn hóa - Ngày đăng : 16:09, 25/04/2018
(TN&MT) - Long sàng (hai chiếc sập đá) có niên đại từ thế kỷ XVII hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã...
(TN&MT) - Long sàng (hai chiếc sập đá) có niên đại từ thế kỷ XVII hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) là một trong nhưng hiện vật quan trọng nhất của đền Vua Đinh và được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2017. Bảo vật Quốc gia này không chỉ là tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn chứa đựng giá trị rất lớn về lịch sử và văn hóa.
Bất kỳ du khách nào đến với Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đều không khỏi bất ngờ về chiếc Long sàng trước Nghi môn ngoại của Đền. Đây là hiện vật độc banr được tạo đặt từ đầu thế kỷ XVII, là hiện vật tiêu biểu của triều đình phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Long sàng được tạo từ một khối đá xanh nguyên khối, có hình hộp chữ nhật, nặng chừng 1,5 tấn tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều. Mặt Long sàng hình chữ nhật, nằm ngang, có gờ chỉ bao quanh. Bề mặt của Long sàng được tạc nổi hình rồng với dáng vẻ uy dũng. Chính điều này khiến cho khi trời mưa, nước sẽ đọng lại trên mặt Long sàng làm nổi lên từng đường nét chạm khắc tinh tế. Hình rồng ẩn hiện như đang bơi trong nước, thể hiện rõ yếu tố bản địa của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cách trang trí họa tiết rồng trên Long sàng này có nhiều nét khác biệt với thế rồng thời nhà Mạc hay thời nhà Lê, thời Nguyễn, đó là rồng ở đây ba trong bốn chi được nhân dạng hóa thành cánh tay người đều hướng vào trong, mình rồng xoắn, bụng hướng lên trên. Những họa tiết khác thường đó đã mở ra nhiều liên tưởng nghệ thuật độc đáo, những nét chạm khắc, hình tượng hóa cho thấy có sự ảnh hưởng của mỹ thuật Chămpa, Ấn Độ. Sự tiếp thu có chọn lọc này đã làm giàu thêm giá trị văn hóa thời bấy giờ.
Cùng với đó, cạnh phía chính diện Long sàng có ba dải hoa văn trang trí, trên cùng là đồ án hoa văn lá đề chạm nổi, có gờ rủ xuống như rè che, cạnh phía sau và hai bên được trang trí cơ bản giống nhau với 3 tầng họa tiết khá độc đáo.
Có thể nói đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với cách thức trang trí không giống bất kỳ một Long sàng nào ở nước ta từ trước đến nay. Điều này thể hiện sự thông minh, sự sáng tạo độc đáo và trình độ xuất sắc của những người thợ điêu khắc đá thế kỷ XVII.
Long sàng trước Nghi môn ngoại và Long sàng trước Bái đường Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là những hiện vật có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và mỹ thuật chính vì vậy, ngày 25/12/2017 hai chiếc Long sàng này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.