Háo hức chờ đón Festival Huế 2018

Văn hóa - Ngày đăng : 16:06, 25/04/2018

(TN&MT) - Đến hẹn lại lên, Festival Huế lần thứ X- 2018 sắp sửa diễn ra với quy mô quốc gia và quốc tế từ ngày 27/4 - 2/5. Phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế...
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế- Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2018
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế- Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2018

- Festival Huế 2018 sẽ có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”, ông có thể cho biết rõ hơn ý nghĩa của chủ đề này?

Ông Nguyễn Dung: Sở dĩ Festival Huế năm nay có chủ đề như vậy là do Thừa Thiên Huế đã có 5 Di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm: Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Âm nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2010), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016). Huế còn có hai Di sản phi vật thể cấp quốc gia là Ca Huế và Dệt Zèng (A Lưới). Gần nhất, Huế cùng với 9 tỉnh thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 Di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017 là nghệ thuật Bài Chòi. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng của xứ Huế để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, Festival Huế năm 2018 gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế và quốc gia như: Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); 230 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).

Festival Huế 2018 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển- Huế 1 điểm đến 5 di sản”
Festival Huế 2018 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển-  Huế 1 điểm đến 5 di sản”

- Festival Huế lần thứ X sẽ có những điểm gì mới để thu hút du khách?

Ông Nguyễn Dung: Festival Huế luôn giữ vững định hướng của tỉnh đề ra từ kỳ đầu tiên đến nay là giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng cách thể hiện và cấu trúc chương trình, không gian diễn xướng thì mỗi kỳ mỗi mới.

Điểm mới của Festival Huế năm 2018 là có thêm chương trình “Văn hiến kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, hoàng tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 5 Di sản Văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Đặc biệt, trong suốt kỳ Festival Huế năm 2018 sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, các lễ hội đầy màu sắc và hàng loạt hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng. Trong đó, dự kiến có khoảng 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều lại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Anh, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Pháp, Bỉ, Trung Quốc... sẽ trình diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong Festival Huế năm 2018. Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng lực lượng văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn những nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

Đường phố Huế được trang hoàng băng rôn, khẩu hiệu để chào đón sự kiện lớn nhất trong năm của Cố đô...
Đường phố Huế được trang hoàng băng rôn, khẩu hiệu để chào đón sự kiện lớn nhất trong năm của Cố đô...

Ngoài ra, còn có các chương trình đặc sắc khác như: Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội áo dài, chương trình âm nhạc Phật giáo... cũng như một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng như: Lễ Tế Giao, Lễ tế xã tắc, Lễ hội đền Huyền Trân, Lệ hội Điện Hòn Chén, Lễ Phật đản, tái hiện Lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế...

- Ðể chuẩn bị cho Festival Huế 2018, chắc Ban tổ chức cũng đã rút kinh nghiệm về các kỳ Festival Huế trước. Ông có thể cho biết những điều đã làm được, và cả những điều chưa làm được của Festival?

Ông Nguyễn Dung: Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Richard Engelhardt từng khẳng định: “Festival Huế được tổ chức chính là một minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc làm sống lại các truyền thống văn hoá trước đây...”. Thật vậy, Festival Huế là động lực cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

Festival Huế có sự tham dự của trên 20 đoàn nghệ thuật quốc tế và các đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong nước
Festival Huế có sự tham dự của trên 20 đoàn nghệ thuật quốc tế và các đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong nước 

Thông qua Festival, Thừa Thiên Huế có cơ hội giới thiệu và quảng bá về những giá trị văn hóa của mình. Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thì di tích gắn với lễ hội được Nhà nước và các chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật trùng tu, phục chế...

Kể từ Festival đầu tiên đến nay, nguồn thu từ các dự án tài trợ, thu từ bán vé tham quan di tích không ngừng tăng lên, bổ sung nguồn lực lớn cho việc trùng tu, tôn tạo, cho các hoạt động nghiệp vụ, nghiên cứu sưu tầm.Không chỉ những di sản phi vật thể đã được công nhận, nhiều giá trị văn hóa cung đình và dân gian, văn hóa tâm linh hay ngành nghề truyền thống, cũng như nghệ thuật sống của vùng đất cố đô được dịp giới thiệu cùng bè bạn gần xa thông qua Festival. Festival cũng chính là cơ hội để các nghệ sĩ trong các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật Huế thể hiện năng lực, giới thiệu với bạn bè quốc tế, qua đó, nhiều đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ đã được mời tham gia trình diễn tại nhiều Festival trên thế giới.

Qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật của các quốc gia ở năm châu lục có mặt. Nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại đã được Bộ Ngoại giao chọn Huế làm nơi tổ chức như Hội nghị Đối tác Nghị Viện Á - Âu (ASEP), Hội nghị các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF), Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN, Sáng kiến giao lưu văn hóa thông qua Festival Huế do Bộ Ngoại giao Việt Nam khởi xướng dành cho các thành viên Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh...

Sân khấu Festival trước Quảng trường Ngọ Môn đang được gấp rút hoàn thành
Sân khấu Festival trước Quảng trường Ngọ Môn đang được gấp rút hoàn thành

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập đã được nhận diện nhưng chưa giải quyết triệt để như bộ máy tổ chức Festival hiện vẫn mang nặng tính hành chính, nhiều tầng nấc, nhân lực có kỹ năng chuyên sâu về lễ hội thiếu hụt trầm trọng, nên khả năng ứng biến linh hoạt, kịp thời trong công tác lập kế hoạch tổ chức, xây dựng và thực hiện chương trình còn hạn chế. Đầu tư từ ngân sách cho hoạt động Festival Huế khá hạn chế, trong khi đó, nguồn thu từ tài trợ ngày càng khó khăn, nên khó lòng chủ động trong công tác tổ chức, định hướng và tuyển chọn chương trình...

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới, cải thiện và đầu tư có trọng điểm để nâng cao chất lượng và tầm vóc trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Festival Huế thực sự vẫn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới.

- Công tác kêu gọi xã hội hóa được triển khai ra sao tại Festival Huế 2018, thưa ông? 

Ông Nguyễn Dung: Để tổ chức cho một kỳ Festival, nếu tính chi phí tổng thể sẽ là một con số rất lớn mà nhiều người khó tưởng tượng được. Chính vì vậy, việc kêu gọi xã hội hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đảm bảo nguồn lực cho công tác tổ chức. Liên tục các kỳ Festival đều được sự tài trợ của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ, của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt từ Festival Huế 2012 đến nay, ban tổ chức luôn nhận được mức tài trợ vượt trội. Điều này đã chứng tỏ thương hiệu Festival Huế.

Một kỳ Festival Huế lại diễn ra, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn, mới lạ
Một kỳ Festival Huế lại diễn ra, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn, mới lạ

Với Festival Huế 2018, Ban tổ chức đã làm việc với nhiều đối tác ở Hà Nội, TP. HCM và một số đơn vị trong tỉnh để kêu gọi tài trợ. Điển hình như Ban tổ chức đã ký với nhà tài trợ kim cương là Carlsberg Việt Nam với tổng số tiền 5 tỷ đồng; ký các nhà tài trợ đồng là Ngân hàng Agribank với 1 tỷ đồng; Ngân hàng Vietcombank với 1 tỷ đồng, Vietravel với 1,5 tỷ đồng... Ngoài ra, Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines sẽ là nhà vận chuyển chính cho Festival Huế lần thứ X- 2018 với tổng mức tài trợ 1,5 tỷ đồng... Đến nay, Ban tổ chức Festival Huế 2018 đã ký kết hợp đồng với hơn 25 đơn vị với số tiền gần 30 tỷ đồng (cả tiền mặt và hiện vật).

“Song song với việc kêu gọi tài trợ, Ban tổ chức sẽ tiếp tục nghiên cứu, sử dụng nguồn tài trợ đó có hiệu quả nhất, bằng cách nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, qua đó tiếp tục thương hiệu một lễ hội có quy mô, nhiều hình thức quảng bá, gắn với hình ảnh của các nhà tài trợ...”- ông Dung nói.

Ngoài ra, Festival Huế 2018 còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng cách vận động các đoàn nghệ thuật chủ động lo liệu các chi phí liên quan đến đi lại, lưu trú, phương tiện biểu diễn..., tạo cơ chế để các cá nhân, tổ chức kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho các chương trình nghệ thuật tham gia Festival. Điểm mới là ban tổ chức duyệt trước nội dung các chương trình nghệ thuật tham gia, đối tác tự lo kinh phí tổ chức, UBND tỉnh tạo cơ chế để các đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình vận động, kêu gọi tài trợ. Nói vậy để thấy rằng, tổ chức Festival là sự nỗ lực, chung tay của rất nhiều phía, để khán giả được thưởng thức những chương trình đỉnh cao, mà không phải quá tốn kém.

Cảm ơn ông và chúc Festival Huế 2018 sẽ thành công tốt đẹp.

Các chương trình chính tại Festival Huế 2018:

- Lễ Khai mạc: 20h ngày 27/4 tại Quảng trường Ngọ Môn.

- Lễ Tế giao: 3h ngày 27/4 tại Đàn Nam Giao.

- Chương trình nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ”: 19h các ngày 28 và 30/4 tại Đại Nội Huế.

- Yến tiệc Hoàng cung: 19h30 các ngày từ 27/4 đến 2/5 tại Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế.

- Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”: 15h30 các ngày từ 28/4 đến 1/5.

- Chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin”: 19h30 ngày 1/5 tại Công viên Cầu Dã viên.

- Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 20h ngày 28/4 tại Phu Văn Lâu.

- Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương”: 20h05 ngày 29/4 tại Ngã ba sông Gia Hội - Công viên Trịnh Công Sơn.

- Chương trình Những tình khúc Huế- Lễ Bế mạc: 20h ngày 2/5 tại Quảng trường Ngọ Môn.