300 báu vật khảo cổ học Việt Nam “tụ hội” tại Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 13:16, 13/04/2018

(TN&MT) - 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam từ thời Tiền sử cho tới thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII – XVIII) sẽ được quy tụ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt...
(TN&MT) - 300 báu vật khảo cổ học Việt Nam từ thời Tiền sử cho tới thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII – XVIII) sẽ được quy tụ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Trưng bày đặc biệt này là sự phối hợp của rất nhiều bảo tàng trong cả nước.
 
Sáng ngày 12/4 tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các Bảo tàng: Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Thọ, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn tổ chức lễ khai mạc trưng bày đặc biệt về những báu vật khảo cổ học Việt Nam. Thông qua trưng bày đặc biệt này, Ban tổ chức giới thiệu gần 300 hiện vật tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII).
 
Đây cũng là dịp Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu những thành tựu của các nhà khảo cổ học Việt Nam đạt được trong 60 năm qua và là sự kiện đặc sắc nhân kỷ niệm  40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1975-23/9/2015) và 25 năm ký kết Hiệp định văn hóa (10/5/1990- 10/5/2015), giữa Việt Nam - Đức; góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế các di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
300 bau vat khao co hoc
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên và các đại biểu tham quan trong buổi khai mạc 
Trưng bày lần này được chia làm 3 phần chính: Báu vật khảo cổ thời Tiền sử; Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí; Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử. Báu vật khảo cổ học thời tiền sử tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình, như công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng ở Việt Nam.
 
Báu vật khảo cổ học thời kỳ Kim khí tập trung giới thiệu các hiện vật đặc sắc, có giá trị văn hóa cao của ba trung tâm văn hoá lớn là văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Riêng phần khảo cổ học lịch sử sẽ giới thiệu đến công chúng nhiều báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công Nguyên cùng các nền văn hoá như: Văn hoá Chăm Pa và di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn; Văn hóa Óc Eo - Phù Nam.
 
Phần trưng bày báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến sẽ giới thiệu những hiện vật là những dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành … và đặc biệt là những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) …
 
Trưng bày sẽ kéo dài đến tháng 7/2018.