Điện Biên: Công bố Tết té nước là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Văn hóa - Ngày đăng : 21:10, 14/04/2018

(TN&MT) - UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vừa tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Tết Té nước (Bun huột nặm) của dân tộc Lào.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho người dân bản Na Sang 1.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho người dân bản Na Sang 1.

Tết Té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh của bà con dân tộc Lào. Không chỉ làm lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua mà còn cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an năm mới.

Nghi lễ cúng bản trong Tết té nước
Nghi lễ cúng bản trong Tết té nước

Từ năm 2015, Tết té nước đã được cộng đồng bản Na Sang 1 tổ chức và phục dựng vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào. Sau 3 năm phục dựng, ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL công nhận Tết Té nước (Bun Huột Nặm) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia loại hình lễ hội truyền thống.

Sau nghi thức cầu mưa mọi người cùng nhau ra suối để té nước vào nhau 4. Dân tộc Lào quan niệm người nào càng được té nhiều nước thì càng được nhiều may mắn
Sau nghi thức cầu mưa mọi người cùng nhau ra suối để té nước vào nhau. Dân tộc Lào quan niệm người nào càng được té nhiều nước thì càng được nhiều may mắn

Bà Phạm Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Điện Biên, cho biết: Huyện Điện Biên và bà con bản Na Sang rất vui mừng khi Tết Té nước được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào chung trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá rị văn hóa truyền thống của địa phương, là tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc.

Tết Té nước diễn ra với các hoạt động chính như: cúng bản, cúng tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu và có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều không may trong năm cũ. Đây còn là dịp để dân bản thể hiện những trò chơi dân gian, những điệu dân vũ truyền thống và đặc biệt là tục té nước của dân tộc Lào.

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Lào được biểu diễn.
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Lào được biểu diễn.

Trong phần lễ còn có một nghi thức tên là “Phu Khen” hay còn gọi là “Lễ buộc chỉ cổ tay”. Nghi lễ này nhằm để cho mọi người may mắn, mạnh khỏe, bình an và cũng từ sợi chỉ ấy nối liền từ dòng họ này đến dòng họ kia, từ dân tộc này đến dân tộc kia… để gắn bó với nhau, không rời nhau, thương yêu nhau. Trong lễ hội này, ai càng được buộc nhiều chỉ ở cổ tay thì càng may mắn.

Nghi thức quan trọng nhất của Tết té nước là nghi thức cầu mưa để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mới ấm nó hạnh phúc và có một vụ mùa tốt tươi, cuộc sống ấm no”. Theo phong tục, đoàn người xin nước là phụ nữ trong bản do bà Mo (thầy xem bói, thầy cúng) dẫn đầu, mang theo lễ vật đi đến từng nhà để xin nước, xin lộc trời. Khi đến mỗi nhà, đoàn xin nước không được phép lên Nhà trời mà phải đứng ở dưới cùng đọc bài khấn đồng giao. Chủ nhà thay mặt bà con xin với thần linh cho mưa đúng thời vụ, cây cối sinh sôi nẩy nở, mùa màng vội thu. Sau khi đi hết các nhà trong bản, đoàn xin nước mang lễ vật ra suối xếp thành mâm, mời thần trời, thần đất, thần suối chứng giám.  Sau khi khấn lễ, bà con dân bản ào xuống suối, té nước lên nhau, ai càng ướt nhiều thì càng được nhiều may mắn may mắn.

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Lào được biểu diễn.Đến với Tết Té nước, người dân và du khách được hòa mình trong những nghi thức truyền thống của người Lào. Từ nghi thức trong lễ cúng bản với những vật hiến sinh như gà, lợn… đến chuẩn bị mâm lễ đặt trong miếu thờ để cúng tế thần linh. Sau lễ cúng, mọi người quây quần, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp. Trong những ngày diễn ra Tết Té nước, du khách cùng với dân bản còn tham gia các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất...