Quảng Nam: Tổ chức Lễ đón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi do UNESCO công nhận
Văn hóa - Ngày đăng : 15:27, 15/04/2018
Trước đó (7/12/2017), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Bài chòi là di sản chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).
Các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian Việt Nam đã đưa ra luận cứ: Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa, theo Chúa Nguyễn vào Nam, điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bình Định. Đào Duy Từ đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh miền núi mà sáng tạo ra hội bài chòi. Từ lối sinh hoạt văn hóa nương rẫy, ông ứng dụng vào trò chơi đánh bài trên chòi, dần dần có tên gọi là hội đánh bài chòi. Về sau, hội bài chòi thường được tổ chức trong những dịp xuân nên được gọi là hội đánh bài chòi xuân, nên Bình Định vẫn được xem là cái nôi của di sản này.
Từ khi bắt đầu hình thành với hình thức sơ khai, đến nay Bài Chòi đã trở thành loại hình nghệ thuật dân gian gần gũi, đặc sắc, thể hiện tâm tư, tình cảm cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng duyên hải miền Trung.
Hầu hết, các nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát từ gia đình, thông qua phương pháp truyền miệng. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Bài Chòi ngày nay tại Hội An cũng đã truyền dạy kiến thức và kỹ năng hô, hát Bài Chòi trong các hội, nhóm, các câu lạc bộ và trường học.
Theo đó, Lễ đón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi do UNESCO công nhận sẽ được tổ chức tại thành phố Hội An, Quảng Nam vào đêm ngày 7/5/2018 tới.
Thông qua buổi lễ, là dịp để quảng bá, tôn vinh những giá trị độc đáo của Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong nước và du khách nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Buổi lễ sẽ có sự tham gia của các nghệ nhân, các Câu lạc bộ Bài Chòi của tỉnh Quảng Nam, đại diện của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Viện Âm nhạc, Hội đồng Di sản Quốc gia cùng đại diện các tỉnh, thành phố có Nghệ thuật Bài chòi như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.