Sâm Ngọc Linh của Quảng Nam sẽ được dâng lên các Vua Hùng

Văn hóa - Ngày đăng : 21:17, 03/04/2018

(TN&MT) -  Đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất – 2018, tỉnh Quảng Nam sẽ tham gia nhiều hoạt động, trong đó Lễ vật tiến dâng có rượu ngâm từ củ sâm Ngọc Linh.

Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra từ ngày 20 - 25/4/2018 (từ ngày 05 - 10/3 năm Mậu Tuất) tại tỉnh Phú Thọ. Tỉnh Quảng Nam sẽ tham gia nhiều hoạt động như dâng lễ vật, tri ân công đức các Vua Hùng (mùng 9.3 âm lịch) tại Đền Thượng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
 

Rượu sâm Ngọc Linh
Rượu sâm Ngọc Linh 

Lễ vật tiến dâng của tỉnh Quảng Nam gồm: 3 mâm rượu sâm Ngọc Linh được trồng trên dãy núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My ở độ cao 1.900m so với mực nước biển. Sâm Ngọc Linh được coi là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia (sâm Việt Nam).

Ngoài ra tỉnh Quảng Nam cũng sẽ dâng lên các Vua Hùng đặc sản trà Mai Hạc của Tam Kỳ; đặc sản trái cây của huyện miền núi Nông Sơn, Tiên Phước và các loại bánh đặc trưng của Quảng Nam như: bánh tét, bánh tổ, bánh rò, bánh in... Các lễ vật này sẽ được dâng lên tưởng niệm các Vua Hùng vào mùng 10.3 âm lịch tại Đền Thượng.

 

Sâm củ Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay
Sâm củ Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay

Bên cạnh đó, đoàn Quảng Nam cũng sẽ tham gia 3 tiết mục trong chương trình biểu diễn nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng (mùng 6.3 âm lịch), những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Xứ  Quảng để phục vụ đồng bào, du khách về dự  Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018.
 

Nhiều đặc sản của các huyện miền núi Quảng Nam cũng sẽ được dâng lên trong ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Nhiều đặc sản của các huyện miền núi Quảng Nam cũng sẽ được dâng lên trong ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam ông Nguyễn Hồng Quang cho biết: Thông qua các hoạt động tham gia giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam muốn thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng cùng các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.

Qua đó, giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua hoạt động Lễ hội cũng là dịp giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất và con người Quảng Nam.