Nghị lực phi thường của người vợ cựu binh Gạc Ma

Văn hóa - Ngày đăng : 15:52, 13/03/2018

(TN&MT) - Chồng chị Thảo từng là lính Gạc Ma và đã không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông lúc mưu sinh, để lại 4 người con cho chị Thảo chăm sóc. Và...
(TN&MT) - Chồng chị Thảo từng là lính Gạc Ma và đã không may qua đời trong một vụ tai nạn giao thông lúc mưu sinh, để lại 4 người con cho chị Thảo chăm sóc. Và chị đã không phụ lòng chồng của mình khi nuôi nấng các con nên người...
 
Trường hợp được nhắc đến là của gia đình cựu chiến binh Trần Văn Tự - người đã tham gia xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nhất là trong trận chiến với Trung Quốc vào ngày 14/3/1988. Vợ của anh Tự là chị Đào Thị Thảo (47 tuổi, trú làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dành cho cựu binh Gạc Ma- Trần Văn Tự
Bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dành cho cựu binh Gạc Ma- Trần Văn Tự
Đời lính gian truân
 
Một chiều đầu tháng 3, chúng tôi tìm đến làng An Truyền (làng Chuồn) để hỏi tìm nhà chị Đào Thị Thảo thì người dân ở đây ai ai cũng biết. “Phải nhà chị Thảo có chồng anh dũng đã đi lính Gạc Ma không?. Tới đó rẻ trái rồi vào căn nhà thứ 2 là thấy thôi...”, một người dân hóm hỉnh chỉ đường.
 
Gặp chúng tôi, chị Thảo niềm nở chào đón. Nhâm nhi tách trà nóng, chị Thảo chia sẻ chị vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy ra...
 
Chị Thảo kể lại, chồng chị sinh năm 1964, quê ở làng Chuồn. Vào tháng 3/1986, anh Tự nhập ngũ và trở thành người lính thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân. “Hai năm sau, anh cùng Trung đoàn của mình vào Khánh Hòa để xây lô cốt ở đảo Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của ta. Vào sáng 14/3/1988, trong lúc đang vận chuyển hàng xuống đảo Gạc Ma thì lính Trung Quốc tấn công quân ta bằng pháo khiến rất nhiều người bị thương. Anh Tự bị thương nặng ở mắt. Cũng trong trận đánh đó, có đến 64 người lính đã hy sinh...”- chị Thảo kể.
 
Anh Tự may mắn sống sót và trở về với tấm thẻ thương binh hạng A, mắt phải bị mù lòa, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy chương chiến sĩ vẻ vang.
Chiếc dép khi chồng gặp tai nạn được chị Thảo cất giữ
Chiếc dép khi chồng gặp tai nạn được chị Thảo cất giữ
Năm 1991, anh nên duyên vợ chồng với chị Thảo rồi mưu sinh bằng việc bán bánh bao dạo tận trong TP. Đà Nẵng. 17 năm sau, anh Tự ra Huế và tiếp tục bán bánh bao để nuôi gia đình.
 
Ngày qua ngày trên đất Cố đô, người vợ ở nhà làm bánh rồi đến chiều đưa bánh cho chồng đạp xe đạp lên thành phố để bán. Tận khuya 2h sáng anh Tự mới lò mò trở về nhà.
 
“Thấy anh vất vả quá lại bị hỏng mắt nên tôi cùng anh giành giụm tiền mua chiếc xe máy rẻ rẻ đi bán bánh cho tiện. Nhưng mua xe mới chưa được bao lâu thì vào tối 5/12/2009, anh Tự bị gặp tai nạn trên phố. Khi nhận được tin là tôi vội vàng chạy lên ngay. Không ngờ đó là lần cuối tôi nhìn anh. Anh ra đi oan quá vì mấy thanh niên say xỉn tông vào anh chứ anh không bao giờ uống rượu bia...”- chị Hiền buồn bã nói.
Với nghị lực phi thường của mình, chị Thảo cố gắng nuôi các con ăn học thành tài...
Với nghị lực phi thường của mình, chị Thảo cố gắng nuôi các con ăn học thành tài...
Vì chồng, vì các con…
 
Chồng mất, gia tài mà chị Thảo có được chỉ là chiếc xe máy cà tàng của chồng. Thế nhưng, với nghị lực phi thường của người mẹ, chị Thảo đã nén chặt nỗi đau để làm lụng, chăm lo cho 4 người con ăn học...
 
Không có chồng, mọi việc trong nhà đều đặt lên trên đôi vai nhỏ bé của người mẹ. Nhà chị Thảo có mấy sào ruộng, nhưng chị không khảm nỗi nên cho hàng xóm thuê. Trong khi đó, chị cần mẫn từ ngày từng đêm để chằm từng chiếc nón lá, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Dù nghèo khó nhưng chị nhất quyết không cho các con nghỉ học giữa chừng mà chạy đôn chạy đáo vay mượn...
 
Hiện cả 4 người con của chị Thảo đều chăm chỉ giúp mẹ và nỗ lực học hành lên đại học để khỏi phụ lòng mẹ và người bố anh dũng đã khuất. Chị Thảo vui mừng cho hay con gái đầu của chị đã tốt nghiệp trường Đại học Y và sang Nhật Bản để làm việc. Ba đứa sau đều đang học ở các trường Đại học Huế.
 
“Thấy mẹ vất vả vậy nên em sáng đi học chiều về làm nón giúp mẹ. Em hứa sẽ học thật giỏi, để sau này cho gia đình không nghèo khổ nữa và để cho bố của nơi chín suối có thể tự hào về em...”- Trần Thị Kiều Oanh (con gái út của chị Thảo đang học Đại học Kinh tế Huế) tâm sự.
 
Có lẻ anh Tự đang rất tự hào về vợ cùng các con
Có lẻ anh Tự đang rất tự hào về vợ cùng các con
Ngồi trầm tư một hồi lâu, chị Thảo nhìn lên di ảnh của chồng và cho biết: “Lúc còn sống, anh Tự hay bảo dù mình nghèo, ít chữ nhưng cứ cố hết sức để các con nó được sống đàng hoàng, sung túc hơn sau này. Điều đó tôi luôn luôn ghi nhớ”.
 
Cũng theo chị Thảo, tháng nào hai người đồng đội cũ của chồng là anh Bùi Quang Tải (trú đường Cao Bá Quát, phường Phú Cát, TP. Huế) và anh Huỳnh Đức (trú tại thôn An Truyền, xã Phú An) đều qua thăm hỏi, động viên giúp đỡ gia đình khiến chị cũng thấy ấm lòng.
 
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Rô - trưởng thôn An Truyền cho biết: “Gia đình chị Thảo thuộc diện hộ nghèo của xã, song bằng nghị lực chị đã thay chồng nuôi các con mình học đến đại học. Gia đình chị là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó của thôn...”.