Vụ lát gỗ lim làm đường đi bộ dọc sông Hương (TP. Huế): Nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều
Văn hóa - Ngày đăng : 16:44, 03/03/2018
Liên quan đến sự việc “Triển khai lát gỗ lim để tạo đường đi bộ dọc sông Hương” thuộc Dự án (DA) quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường vừa thông tin, đã có những luồn ý kiến bất đồng về sự bền vững của công trình kể từ khi DA “manh nha” và đưa vào xây dựng...
Lãng phí, nhanh hư hỏng?
Nhà nghiên cứu Huế- Nguyễn Đắc Xuân là một trong những người được mời dự họp nhiều lần về dự án. Trao đổi với PV, ông Xuân cho hay ông đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc xây dựng đường đi bộ lát sàn gỗ lim ven sông Hương trong các cuộc họp bởi nhiều yếu tố; tuy nhiên không được ai quan tâm...
“Nếu có một con đường mới trên mặt sông thì nó sẽ phá vỡ cảnh quan bởi vẻ đẹp của sông Hương là tự nhiên. Thời tiết Huế lại khắc nghiệt nên KOICA và lãnh đạo địa phương cần có một tờ cam kết với dân nếu sau này lũ lụt xâm hại con đường như giật sập dãy lan can hai bên đường gỗ lim, phá hoại con đường không còn sử dụng được nữa, hoặc phải gở bỏ để cứu vãng giá trị vốn có của sông Hương không nơi nào có được... thì toàn bộ chi phí sửa chữa hay giở bỏ sẽ không dùng tiền thuế của dân”, ông Xuân nêu ý kiến.
Theo kiến trúc sư Chương Hoàng Phương (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế), Huế là nơi thường xuyên có mưa và lũ lụt. Nước lũ thường dâng cao trên sông Hương trong những năm gần đây nên việc sử dụng vật liệu gỗ sẽ không bền vững.
“Ưu điểm của gỗ là thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sử dụng gỗ làm ngoài trời, ở địa bàn thường ngập lụt, cần tính toán đến tuổi thọ để có phương án về kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Theo tôi, dự án nên kết hợp các vật liệu bền vững khác nhau để có công trình vừa đáp ứng về mặt thẩm mỹ, vừa có tuổi thọ dài lâu...”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh - nghệ nhân làm nhà rường nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế thì cho rằng, việc lát gỗ lim cho tuyến đường đi bộ dọc sông Hương thì gỗ sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí rất lớn, bởi gỗ dù tốt thế nào khi phơi giữa mưa nắng cũng sẽ nhanh hư hỏng.
“Dù là gỗ lim thì cũng không tồn tại lâu được vì phơi giữa mưa nắng. Nếu lát gỗ lim Nam Phi thì do chất lượng gỗ kém nên dăm bảy năm là hư. Lim Việt Nam và lim Lào thì đỡ hơn nhưng cũng sẽ nhanh hỏng”, ông Vĩnh nhận định.
Ông Vĩnh cũng cho biết, Huế còn hay bị lũ lụt nên sẽ khiến gỗ lim rất nhanh bị oải mục. Trong khi đó, chi phí thay thế, sửa chữa khi gỗ lim hư hỏng rất lớn. “Theo tôi để công trình không nhanh bị hư hỏng thì nên lát mặt đường bằng đá giả gỗ. Lát đường bằng vật liệu này nhìn rất giống lát gỗ và có tuổi thọ cao trong khi phí rất rẻ, dễ vệ sinh...”, ông Vĩnh nói.
Đảm bảo chất lượng, tuổi thọ cao?
Trong khi đó ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, trước đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao UBND TP Huế trưng cầu ý dân về tuyến đường đi bộ này và đa số ý kiến đồng ý với việc làm con đường lát gỗ lim như đang được thi công.
“Có ý kiến cho rằng việc lát gỗ lim thì gỗ sẽ nhanh hỏng, chính quyền luôn tôn trọng những ý kiến này. Nhưng mà khi đại đa số các ý kiến đều đồng ý rồi thì liệu chúng ta có nên băn khoăn những các ý kiến trái chiều nữa không. Trách nhiệm của chúng ta như thế nào trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội”- ông Dung nói.
Theo ông Dung, bộ phận kỹ thuật đã chứng minh được việc lát đường bằng gỗ lim bảo đảm chất lượng, tuổi thọ. “Với tôi trong tất cả các công trình luôn tiền nào của nấy. Biết đâu sau này ta làm rồi con cháu ta nó thay đổi, miễn cái đó đừng có tốn kém, đừng phủ định cái ban đầu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định.
Ông Hoàng Hải Minh- Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định các đơn vị tư vấn thiết kế đã nghiên cứu khá kỹ khi chọn gỗ lim để lát sàn mà không phải là các vật liệu khác như bê tông, nhựa... bởi tính năng chịu mưa, nước và thân thiện với môi trường. Mặt khác, gỗ lim có tuổi thọ và độ bền cao nên có thể tiết kiệm chi phí so với một số vật liệu khác.
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đưa tin, những ngày qua đơn vị thi công đã tiến hành đóng hàng loạt cọc bê tông xuống sông Hương và tiến hành đổ dầm bê tông, bắt đầu từ phía phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ sông lên đến khu vực công viên Lý Tự Trọng để xây dựng tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương ở TP Huế.
Dự án này là dự án thí điểm của Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với số tiền 6 triệu USD. KOICA thông tin tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2. Dự toán tổng chí phí gỗ lim lát sàn là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý ngâm hóa chất, sấy và gia công, lắp dựng).