Sơn La: Thêm 2 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn hóa - Ngày đăng : 22:02, 27/02/2018

(TN&MT) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL công bố 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, có 02 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Sơn La, gồm Lễ Pang A của người La Ha ở huyện Quỳnh Nhai, huyện Thuận Châu, huyện Mường La; nghệ thuật Khèn của người Mông ở huyện Mộc Châu. Loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia: 'Lễ Cầu an Pang A của người La Ha'.
Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia: "Lễ Cầu an Pang A của người La Ha".

Định cư từ lâu đời ở vùng Tây Bắc, là một trong 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, đồng bào La Ha chỉ sinh sống ở tỉnh Sơn La và một số ít ở tỉnh Lai Châu. Hiện nay nhiều nét văn hóa truyền thống của người La Ha vẫn được giữ gìn và phát huy, trong đó tiêu biểu là Lễ Pang A (lễ cầu an), thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch.

Lễ Pang A gồm 2 phần. Phần lễ tôn nghiêm, giàu bản sắc tộc người. Phần hội sôi động, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh các hoạt động trong lao động sản xuất, ẩn chứa ước nguyện của người dân được phù hộ, cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bản làng ít xảy ra tai ương dịch họa, dòng tộc phát triển hạnh phúc… Trên hết, lễ hội nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, tình làng nghĩa xóm, tinh thần gắn kết cộng đồng.

Nghệ thuật Khèn của người Mông ở Mộc Châu
Nghệ thuật Khèn của người Mông ở Mộc Châu

Nghệ thuật Khèn của người Mông ở huyện Mộc Châu. Theo phong tục, khèn Mông gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào và mỗi cuộc đời của người Mông. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống; là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông. Tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn. Còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm khiến người nghe xúc động.

Hai di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tôn vinh di sản văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Đồng thời, tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La.