Giữ hồn cho húng Láng đặc sản của đất Hà Thành

Văn hóa - Ngày đăng : 23:17, 25/02/2018

(TN&MT) - Từ một vùng chuyên canh rau thơm, chuyên trồng húng Láng cung cấp cho khắp đất Kinh kỳ. Đến nay, nơi đây chỉ còn vài ba hộ bám trụ cố gắng giữ lại...
(TN&MT) - Từ một vùng chuyên canh rau thơm, chuyên trồng húng Láng cung cấp cho khắp đất Kinh kỳ. Đên nay, nơi đây chỉ còn vài ba hộ bám trụ cố gắng giữ lại giống gen quý hiếm là một trong những đặc sản tiến vua của đất Hà Thành.
 
Những người giữ hồn cho húng Láng đặc sản của đất Hà Thành
Những người giữ hồn cho húng Láng, đặc sản của đất Hà Thành
Chút Kinh kỳ còn sót lại

Một buổi sáng trong tiết trời se se lạnh của mùa xuân, chúng tôi có cơ duyên được về thăm mảnh đất Láng Thượng, địa danh đã làm nên thương hiệu nức tiếng khắp một vùng Hà Thành với hương vị rau húng thơm đặc sản. Húng Láng ở đây rất thơm, làm không biết bao nhiều người mê đắm, muốn đem về nhà để nhâm nhi bên chén rượu với người thân, bạn bè và quả thực bên cỗ lòng mà có thêm đĩa rau húng thì thật không có gì sánh bằng. 

Tuy vậy, giờ đây để có được một đĩa rau húng mang đúng hương vị truyền thống địa phương không hề đơn giản. Bởi việc trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng húng Láng có những đòi hỏi rất riêng, ngoài sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng công đoạn còn là kinh nghiệm, tình yêu với cây húng. Húng Láng ăn uống mảnh khảnh nên tuần nào cũng phải chăm, phải tưới bón đôi ba lần. Công sức của người nông dân do vậy phải bỏ ra gấp đôi, gấp ba so với trồng các loại cây khác, chẳng thế mà dân gian cứ tương truyền câu nói về húng Láng “kiêu như con gái đất Kinh kỳ”.

Xa xưa từ thời nhà Lý, vào thế kỷ XI, đất Láng Thượng là một trong 61 phường của kinh thành Thăng Long, chuyên canh các loại rau gia vị và rau thơm trong đó rau húng là tốt và ngon hơn cả. Húng Láng trở thành rau tiến vua và là niềm tự hào biết bao đời nay của người dân nơi đây. Thậm chí, địa danh làng Láng và sản vật húng Láng còn đi vào ca dao, tục ngữ... 

Vùng đất này có may mắn là được thiên nhiên ban tặng với sự đặc trưng về thổ nhưỡng, cũng như nguồn nước khiến nhiều loại rau gia vị được trồng tại đây cho hương vị thơm ngon đặc biệt. Húng Láng có húng thơm, húng lủi và húng dổi. Nhưng hễ cứ nói đến húng Láng, thì những ai sành ăn của mảnh đất Hà Thành sẽ nghĩ ngay đến cây húng thơm, thứ rau hàng đầu trong các loại rau gia vị. 

Rau húng nổi tiếng thơm, ngon, không chỉ được người dân Thủ đô mà còn nhiều du khách từ khắp mọi miền đất nước ưa chuộng. Vị thơm của húng Láng không nồng như húng bạc hà, húng dũi. Nó thơm mát, dịu nhẹ, khi ăn húng Láng phải nhai thật chậm, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ để thưởng thức hương vị thơm ngon mà loại rau đặc biệt này mang lại.

Gian nan công cuộc bảo tồn
 
Đất Láng Thượng giờ đi chỉ còn những người cao tuổi gắn bó với nghề trồng rau húng
Đất Láng Thượng giờ đi chỉ còn một số người cao tuổi gắn bó với nghề trồng rau 
Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, đường Láng ngay nay còn là một trục đường nhỏ hẹp ven đô đi từ khu vực Cầu Giấy về Ngã tư Sở, chạy giữa một bên là sông Tô Lịch, một bên là những ruộng rau của các làng Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ… Thế nhưng rồi cơn lốc đô thị hóa thốc tháo thổi vào làng. Khi mỗi mét đất đều quy ra cây, ra chỉ, người người, nhà nhà đua nhau bán khiến cho những mảnh vườn trồng húng cứ lùi dần, lùi dần vào dĩ vãng.

Mảnh đất trồng rau tươi tốt xưa kia, giờ đây đã biến đổi theo quá trình đô thị hóa. Người Hà Nội mừng vì thành phố ngày một phát triển với nhiều nhà cao tẩng, chung cư, biệt thự hiện đại, nhưng tiếc một vùng rau bị mất đi, đặc biệt là giống thơm Láng có nguy cơ tuyệt chủng. Cuối cùng trên đất Láng giờ chỉ còn một vài mảnh vườn bé con con trong khuôn viên chùa Láng - nơi không thể xẻ ra như xẻ lợn để bán nên mới thoát khỏi cảnh bị bê tông hóa.

Chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường số ít người dân còn gắn bó với nghề trồng húng Láng cho biết, nhiều năm qua đã có một số địa phương như Mỹ Đình, Nam Từ Liêm; làng Đăm, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm đến mua giống rau húng về trồng. Kết quả của việc lai tạo này là rau vẫn lên xanh tốt, nhưng húng không có được cái vị thơm, ngon đặc trưng của húng Láng nữa.

Đến nay, trên đất Láng Thượng này chỉ một vài người cao tuổi trong làng còn muốn lưu giữ lại nghề truyền thống trồng rau húng Láng của ông cha để lại, vẫn miệt mài bên những luống rau xanh tươi với niềm hy vọng mảnh đất sau ngôi chùa cổ này sẽ chính thức là nơi để các cụ làng Láng giữ lại một đặc sản quý của quê hương. Tuy vậy, họ cũng đang trong một nỗi lo chung, bởi những luống rau thơm này không biết lúc nào sẽ lại phải nhường chỗ cho một công trình mới…