Hàng ngàn người đổ về xứ Huế dự Khai hội đền Huyền Trân

Văn hóa - Ngày đăng : 16:09, 24/02/2018

(TN&MT) - Lễ hội đền Huyền Trân ở xứ Huế được tổ chức quy mô hoành tráng với nhiều hoạt động liên tục, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia...

Lễ hội diễn ra 2 ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP. Huế) với chủ đề “Ngưỡng vọng Tiền nhân” qua 2 phần lễ và hội.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội trùng ngày giỗ thứ 678 của Công chúa Huyền Trân (nhà Trần)- người con gái đã vâng mệnh vua cha đi làm dâu xứ Chiêm Thành để lấy về vùng đất Châu Ô- Lý (nay là vùng đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) cho đất nước.

Mặc dù thời tiết se lạnh nhưng lễ hội đã thu hút sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách. Đáng chú ý là những du khách nước ngoài tìm đến tìm hiểu nét văn hóa độc đáo cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Sau phần nghi lễ và nghi thức đánh trống khai hội, người dân Huế và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Tại lễ hội đền Huyền Trân có Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, múa hội hoa đăng, ca múa nhạc Phật giáo. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn cócác hoạt động văn hóa, thể thao như biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, bài chòi, đẩy gậy, đập nêu, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống...

Ghi nhận của PV thì tại Lễ hội đền Huyền Trân 2018 này không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, không xuất hiện nạn chèo kéo, ăn xin và đốt, hóa vàng mã...

Khuôn mặt thành kính trong những ngày xuân mới, chị Hoàng Thị Kiều (đến từ TP. Hội An- tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Lễ hội này rất ý nghĩa nên tôi đã đón xe cùng con trai ra Huế tham gia. Trước hết là mình tưởng nhớ bậc các tiền nhân đã khuất, sau đó để dạy con cháu nếp sống, văn hóa của người Việt...”.

Trao đổi với PV, ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lễ hội được tổ chức tương đối hoành tráng với nhiều hoạt động đa dạng phong phú, nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trước là đểcáo yết các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong mở mang bờ cõi; sau để cầu mong quốc thái dân an- nhà nhà no ấm- người người hạnh phúc...

“Ngoài ra, lễ hội còn tạo không khi vui tươi, phấn khởi đầu xuân; thể hiện khát vọng bao đời nay, cùng quyết tâm xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp...”- ông Dũng nói.

Được biết, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân- nơi diễn ra Lễ hội đền Huyền Trân là quần thể kiến trúc có ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công chúa được xây dựng tại thôn Ngũ Tây (phường An Tây, TP. Huế).

Tọa lạc trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108m còn có tháp chuông Hòa Bình với quả chuông được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16m. Giữa bốn bề mây núi giao hòa, tháp chuông Hòa Bình là địa điểm thu hút du khách thập phương. Từ tháp chuông phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách sẽ có bức tranh toàn cảnh thiên nhiên như vẽ của TP. Huế với sông Hương và núi Ngự.

Ngày xuân, đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, du khách được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh và cùng gióng hồi chuông ngân xa để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc...

Một số hình ảnh của lễ hội được PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường ghi lại trong 2 ngày lễ hội diễn ra:
 

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân- nơi diễn ra lễ hội
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân- nơi diễn ra lễ hội
Ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh trống khai hội
Ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh trống khai hội
Hoạt cảnh tái hiện lại cuộc đời công chúa Huyền Trân
Hoạt cảnh tái hiện lại cuộc đời công chúa Huyền Trân
Tiết mục chầu văn mang tính dân tộc cao
Tiết mục chầu văn mang tính dân tộc cao
Người dân và du khách thành kính dâng hương
Người dân và du khách thành kính dâng hương
Mong muốn nhiều điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới
Mong muốn nhiều điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới
Trò chơi bài chòi
Trò chơi bài chòi
Biểu diễn võ thuật
Biểu diễn võ thuật
Đập nêu
Đập nêu
Trưng bày các mặt hàng thủ công truyền thống
Trưng bày các mặt hàng thủ công truyền thống
Đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội
Đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội
Lễ hội sẽ duy trì hàng năm nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc...
Lễ hội sẽ duy trì hàng năm nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc...