UNESCO tôn vinh nét văn hóa cổ truyền Trung Bộ

Văn hóa - Ngày đăng : 21:15, 16/02/2018

(TN&MT) - Bài chòi là loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần, không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người miền Trung qua nhiều thế...
(TN&MT) - Bài chòi là loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần, không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người miền Trung qua nhiều thế kỷ. Vì thế, mới có câu hát “Gió xuân phơ phất cành tre, mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi”. Nếu người dân xứ Kinh Bắc say mê dân ca Quan họ, người Phú Thọ yêu hát Xoan, người Nam Bộ say mê và tự hào với Đờn ca tài tử, thì người dân Trung Bộ cũng thỏa nguyện khi nghệ thuật hát Bài chòi vừa trở thành Di sản Văn hóa thế giới.
TNMT UNESCO tôn vinh nét văn hóa cổ truyền Trung Bộ
Nghệ thuật hát Bài chòi vừa trở thành Di sản Văn hóa thế giới. Ảnh: MH

Bài chòi là di sản chung của 9 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận) nhưng Bình Định vẫn được xem là cái nôi của di sản này.

Nghiên cứu nguồn gốc bài chòi, GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật Bài chòi cho biết, đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật Bài chòi. Tuy vậy, qua truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.

Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc (tương tự như chơi tam cúc ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật Bài chòi sau này. Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát - hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội bài chòi.

Từ lối sinh hoạt văn hóa nương rẫy, ứng dụng vào trò chơi đánh bài trên chòi, dần dần có tên gọi là hội đánh bài chòi. Về sau, hội bài chòi thường được tổ chức trong những dịp xuân nên được gọi là hội đánh bài chòi xuân.

Tuy Bình Định là cái nôi của di sản Bài chòi song hiện nay, Hội An mới là địa phương lưu giữ tốt nhất nghệ thuật này với trên 10 đội hô - hát nghệ thuật, mỗi năm, tổ chức khoảng 30 chương trình biểu diễn. Đặc biệt, Hội An đã mang “trò chơi” nghệ thuật bài chòi ra đường phố, tạo ra một không gian mở thu hút du khách tham gia. Khách ngoại quốc tỏ ra vô cùng thích thú khi xem hát bài chòi, rồi “dấn thân” trở thành người chơi. Họ không khỏi ngỡ ngàng rồi thực sự được “khai sáng”, khi được nghe dịch, giải nghĩa từng câu hát...

Hội An cũng là một trong những địa phương đầu tiên của vùng di sản mang nghệ thuật Bài chòi đi lưu diễn, giao lưu với các địa phương trong cả nước. Cách làm của Hội An đã nâng nghệ thuật Bài chòi của Quảng Nam nói riêng, của cả khu vực nói chung lên một tầm cao mới, làm cho bản sắc văn hóa của cái gọi là “dân giã” trở thành tài nguyên giàu có để phát triển du lịch.  
        
Ngày 7/12, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) họp ở Jeju, Hàn Quốc và “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh trong danh sách “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.