Quảng Trị: Hàng trăm thanh niên tranh nhau cướp cù cầu may đầu xuân

Văn hóa - Ngày đăng : 20:35, 19/02/2018

(TN&MT) - Ngày 4 Tết Nguyên đán Mậu Tuất (19/2), người dân làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) tổ chức lễ hội cướp cù truyền thống. Lễ hội này...

 

(TN&MT) - Ngày 4 Tết Nguyên đán Mậu Tuất (19/2), người dân làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) tổ chức lễ hội cướp cù truyền thống. Lễ hội này được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu năm mới và thu hút hàng trăm người dân tham gia.
 

1

 

2

 

3


Đây là lễ hội văn hóa truyền thống của người dân Gio Mỹ có từ hàng trăm năm nay và được tổ chức thường niên vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm dân làng không còn vướng bận công việc, có thể bắt đầu du xuân và về tham dự lễ hội, với ý nghĩa cầu cho năm mới luôn may mắn, sung túc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
 

4

 

5

 

6


Lễ hội cướp cù gồm 2 phần, đó là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ các vị bô lão có uy tín và chức sắc trong làng với trang phục truyền thống chỉnh tề tiến hành dâng hương cúng tế trời đất, kính báo với Thành hoàng để cầu xin cho dân làng năm mới được mạnh khỏe, phát tài, phát lộc, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt bền vững.
 

7


 

8


Phần hội diễn ra ngay sau đó với hình thức là Hội cướp cù. Quả cù làm bằng gốc chuối, đẽo tròn và sấy khô được ném vào giữa sân làng. Hàng trăm thanh niên trai tráng tranh cù trên một đồi cát rộng, giữa tiếng reo hò cổ vũ của khán giả. Lễ hội tranh cù không giới hạn người dân trong làng tham gia mà cả người dân trong xã, khách các phương đến xem cũng có thể góp vui.

Hai chiếc cọc tre bên trên được cắm cờ đỏ sao vàng và gắn chiếc sọt để hứng cù, được ban tổ chức bố trí ở hai đầu sân. Đội nào ném được cù vào sọt tre trên cọc sẽ giành được phần thắng.
 

9

 

10

 

11


Sau hồi trống khai hội, hàng trăm thanh niên lao ra giữa bãi cát để tranh cù. Theo quy định, mỗi trận đấu có hai đội chơi tham gia và được chia làm ba hiệp, mỗi hiệp kéo dài 15 - 30 phút. Những người chơi tranh nhau quả cù rồi cố gắng ném quả cù cướp được vào chính rọ của đội mình.

Điều đặc biệt là không hạn chế số lượng người chơi, không phân biệt già trẻ, gái trai. Nếu người đang chơi vì một lý do nào đó mà không thể tiếp tục cuộc chơi, thì người đứng ngoài xem vẫn có thể nhảy vào thay thế ngay lập tức, và người nào tung được quả cù vào rọ trước sự truy cản của mọi người thì sẽ giành chiến thắng, được ghi danh vào lịch sử hội cù của làng.
 

12

 

13


Có một điểm rất hay ở trong lễ hội này thể hiện ở chỗ, dù thắng hay thua thì người chơi của các đội vẫn vinh dự được làng mời uống những chén rượu cay nồng để lấy lộc đầu năm kèm theo những cái bắt tay thân thiện và vui vẻ.
 

14

 

15

 

16


Lễ hội tranh cù truyền thống được tổ chức vào đầu Xuân mới để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vừa để người dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe phục vụ lao động sản xuất. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của hai thôn An Mỹ (ngày mồng 4 Tết) và Cẩm Phổ (ngày mồng 7 Tết) xã Gio Mỹ, Gio Linh. Hội cướp cù vừa thể hiện tinh thần thi đấu thể thao, thượng võ và như một phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa của một làng quê Việt Nam.