Cảm xúc mỗi lần đến Việt Nam thực sự rất mãnh liệt
Văn hóa - Ngày đăng : 16:34, 15/02/2018
Là một trong những nữ nghệ sỹ xinh đẹp và tài năng bậc nhất của điện ảnh Liên Xô, hình ảnh Việt Nam trong trái tim của nữ nghệ sỹ Zinaida Kirienko không chỉ là...
(TN&MT) – Là một trong những nữ nghệ sỹ xinh đẹp và tài năng bậc nhất của điện ảnh Liên Xô, hình ảnh Việt Nam trong trái tim của nữ nghệ sỹ Zinaida Kirienko không chỉ là những chiến công oai hùng, những lần giao lưu gặp gỡ mà còn là hình ảnh Bác Hồ và kỉ niệm được Bác đặt cho cái tên trìu mến Zina Hồng.
Đối với những khán giả yêu thích điện ảnh Liên Xô thì chắc hẳn cái tên Zinaida Kirienko không còn xa lạ. Bà là một trong những nữ nghệ sỹ xinh đẹp và tài năng bậc nhất của điện ảnh Liên Xô khi đảm nhận vai chính trong hàng loạt những bộ phim đình đám như: Sông Đông êm đềm, Số phận con người, Bài thơ Biển cả, Tình yêu của Đất …
Điều đặc biệt khiến nữ nghệ sỹ này gắn bó và trở nên thân thuộc với Việt Nam là bởi những lần giao lưu, gặp gỡ với khán giả nước ta trong cả thời chiến và thời bình. Bà còn được khán giả Việt nhớ tới với cái tên đầy trìu mến Zina Hồng – tên do chính Bác Hồ đặt nhân một lần nữ nghệ sỹ tới thăm Người. Nhân dịp nữ nghệ sỹ sang thăm Việt Nam, PV đã có cuộc trò chuyện với bà để tìm hiểu những kỉ niệm về Việt Nam, về Bác.Thưa nữ nghệ sỹ Zinaida Kirienko, kỉ niệm của bà khi lần đầu tiên đến Việt Nam là như thế nào?
Lần đầu tôi tới Việt Nam là vào tháng 11/1958 khi đi cùng đoàn điện ảnh Liên Xô sang thăm đất nước các bạn. Lúc đó tôi chỉ là một cô sinh viên còn rất trẻ, mới vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Moscow. Thời điểm đó, đất nước các bạn đang bị chia làm hai nữa. Miền Nam chống Mỹ, còn miền Bắc bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tôi vẫn còn nhớ mãi thời khắc chúng tôi bước xuống máy bay. Cả phi trường chật kín người, người dân đang chờ đợi chúng tôi và khi đoàn xuất hiện, họ vẫy tay chào rất nồng nhiệt. Thực sự người dân Việt Nam rất hiếu khách.
Lần đầu tiên được tới thăm Việt Nam, cảm xúc của bà lúc ấy có gì đặc biệt?
Tôi nhớ là đoàn của chúng tôi được đi tham quan nhiều nơi như vịnh Hạ Long, công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, các trận địa pháo … Đi đến đâu đoàn cũng được chào đón nồng nhiệt. Tôi nhớ mãi lần đến thăm công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Chưa bao giờ tôi được đứng nói chuyện trước đông người như vậy. Ước chừng có khoảng 5000 người đang hướng mắt theo dõi tôi nói chuyện. Dù không biết họ có hiểu hết những điều tôi nói hay không, nhưng nhìn đôi mắt người dân Việt Nam hướng lên, theo dõi tôi nói một cách trân trọng và chăm chú tôi thực sự rất cảm động. Thời khắc đó mãi hằn sâu vào kí ức của tôi – một cô sinh viên trẻ tuổi – như một sự động viên, khích lệ to lớn.
Chắc hẳn lần đến thăm Việt Nam đó đã mang lại cho bà nhiều cảm xúc. Nhưng nếu phải lựa chọn, kỉ niệm nào để lại cho bà ấn tượng sâu sắc nhất?
Chắc chắn là lần được gặp gỡ và trò chuyện với chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là giấc mơ có thật. Bác dẫn đoàn chúng tôi đi tham quan nơi ở rồi giới thiệu đây là nhà của mình. Tôi thấy mọi vật đều rất đơn sơ, giản dị. Một chiếc bàn làm việc nhỏ xinh, một chiếc giường ngủ với bộ chăn với gối. Mọi vật ở đó đều không có giá trị lớn. Tôi cảm nhận được sự giản dị của vị lãnh tụ mà cả cuộc đời chỉ dành cho nhân dân, cho đất nước. Đoàn chúng tôi đã rất cảm động vì điều đó.
Cũng trong dịp này, bà đã được Bác Hồ đặt cho một cái tên rất Việt Nam là Zina Hồng. Bà có thể chia sẻ đôi điều về kỉ niệm trên?
Sự việc diễn ra khiến chính bản thân tôi cũng bất ngờ. Trong lúc trò chuyện với các thành viên trong đoàn, Bác ân cần hỏi thăm tôi và nhiều thành viên khác về công việc, về cuộc sống. Bất chợt, Bác bảo hai cái bím tóc của tôi trông rất giống một cô gái Việt Nam. Thế là Bác gọi tôi là Zina Hồng – nghĩa là hoa hồng. Tôi không ngờ cái tên này lại gắn bó với tôi lâu đến như vậy. Năm 1983, nhân một lần đến TP. Hồ Chí Minh cùng chồng, nhiều khán giả Việt vẫn nhận ra tôi và gọi toáng lên: “Zina Hồng! Zina Hồng!”. Hơn 25 năm trồi qua mà vẫn có người nhớ tới mình như vậy thì quả là rất hạnh phúc. Hiện nay ở Nga, nhiều người Việt của thế hệ trước khi gặp tôi cũng vẫn gọi bằng tên Zina Hồng. Tôi không ngờ một cái tên mà đem đến cho tôi nhiều kỉ niệm đến vậy.
Được biết bà đã nhiều lần tới thăm Việt Nam. Vậy ấn tượng sau mỗi lần tới đất nước chúng tôi là thế nào?
Mỗi lần sang đất nước bạn là tôi thấy một lần thay đổi. Những năm chiến tranh khi tôi tới, đi đâu cũng thấy lô cốt, công sự cùng với không khí hừng hực chiến đấu. Sau khi hòa bình tôi cũng tới thăm. Hình ảnh lúc đó là cả nước hối hả xây dựng kinh tế. Dù lúc đó nước các bạn vẫn còn khó khăn nhưng quả thực đã có rất nhiều chuyển biến. Còn bây giờ thì Việt Nam đã khác hoàn toàn rồi. Những tòa nhà chọc trời, cuộc sống văn minh hiện đại.Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng có vẻ bà vẫn mải miết với niềm đam mê nghệ thuật nói chung và trở thành cầu nối văn hóa Việt – Nga nói riêng?
Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng hiện giờ tôi vẫn đang công tác tại Nhà hát, vẫn tham dự các liên hoan phim trên toàn thế giới. Dẫu cho không còn là cô sinh viên trẻ sang Việt Nam năm nào nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hết mình để làm cầu nối nghệ thuật điện ảnh giữa hai nước Việt – Nga. Tôi tin với truyền thống gắn kết bao năm qua, hai nước sẽ ngày càng xích lại, gắn chặt với nhau hơn nữa.
Xin cảm ơn bà
Nghệ sỹ lớn của điện ảnh Liên Xô Nữ nghệ sỹ Zinaida Kirienko sinh năm 1933, là một trong những nghệ sỹ tài năng bậc nhất của điện ảnh Xô Viết. Những hình tượng về người mẹ, người vợ, người yêu … do bà thể hiện đã ăn sâu trong trái tim của nhiều thế hệ khán giả không chỉ của Nga mà với cả nhân dân Việt Nam. Bà đảm nhận nhiều vai diễn quan trọng trong các bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô như: vai Natalia phim Sông Đông êm đềm, vai vợ chiến sỹ Hồng quân lái xe ngoài mặt trận Sokolov trong bộ phim Số phận một con người … Mùa hè 2013, tại thành phố Iaroslav quê hương, người hâm mộ đã tổ chức một chương trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của bà. Cũng nhân dịp này, Hội Điện ảnh Nga đã dành tặng cho bà giải thường Cống hiến trọn đời. |