Độc đáo chợ chó Dùng

Văn hóa - Ngày đăng : 14:26, 12/02/2018

(TN&MT) - “Chó khôn tứ túc huyền đề. Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong” - Đó là câu nói nằm lòng mỗi khi có dịp đi chợ Dùng ở xóm 3- xã Thanh Đồng- huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Đây là nơi, nhiều năm nay nổi tiếng bởi bán một loại hàng đặc biệt đó là những chú cún con.  

Phiên chợ đặc biệt
 

Sáng sớm tinh mơ, tại khu vực phía bắc của chợ Dùng đã rộn lên tiếng kêu ư ử của những chú cún con dễ thương được mang ra chợ bán. Ban quản lý chợ dành bốn dãy lều để tạo không gian riêng cho những cún con khoe hình hài. Mới sáng, khi sương chưa tan, nhiều cô cậu khuyển bị đánh thức đột ngột, mắt nhắm mắt mở đã bị chủ nhà mang ra chợ trưng bày. Chó con ở chợ chủ yếu giống chó cỏ, giống chó lai rất hiếm vì cả người bán và kẻ mua đều phần lớn đến từ những vùng nông thôn ít khi nuôi làm cảnh.
 

Những “cô, cậu” khuyển non được nhốt chung một lồng nhưng rất ngoan ngoãn
Những “cô, cậu” khuyển non được nhốt chung một lồng nhưng rất ngoan ngoãn


Chó bán chợ này được mua với mục đích nuôi để giữ nhà nên thường chỉ mấy tháng tuổi, khi cún con bắt đầu ăn được cơm để dễ chăm sóc và luyện tập thói quen. Hầu hết, những chú chó được rao bán ở đây thường do chó mẹ đẻ một lứa nhiều con, không nuôi hết nên mới bị đưa ra chợ.  Những chú khuyển nhỏ thuộc đủ màu lông nhưng giá cả thì vẫn quy định bởi nhất mực, nhì vàng, tam khoanh, tứ đốm. Điều đó làm cho phiên chợ đa cún cưng sắc màu, tạo cho chợ quê này một nét đặc trưng so với những nơi khác.
 

Trưa chợ, trời càng ấm lượng người đưa cún con đến chợ phiên càng nhiều
Trưa chợ, trời càng ấm lượng người đưa cún con đến chợ phiên càng nhiều

Trong khí lạnh của buổi sớm, nhiều chú cún mang ra chợ còn run bần bật, đánh mất đi đặc tính tinh nghịch sẵn có của chó con. Phải dậy sớm nên nhiều chú còn ngái ngủ, khi chủ mang từ lồng ra nhiều con vẫn còn say giấc, có chú còn tranh thủ ngủ rốn trước khi bị sang tay người khác. Mặc cho chủ của khuyển non cố tình đánh thức vật nuôi tỉnh táo thể hiện sự tinh khôn để được bán với giá cao nhưng nhiều cô cậu cún vẫn mắt nhắm, mắt mở. Cũng thỉnh thoảng số ít chú khuyển non chỉ mới đặt lồng xuống nền chợ đã sủa lách nhách như thể hiện sự có mặt của mình trước kẻ đồng trang lứa tại đây.
 

Dân gian có câu “Bán gà tránh trời gió, bán chó tránh trời mưa”, do đó, khác với những gian hàng còn lại của chợ Dùng, càng trưa, người bán kẻ mua càng đông bởi chó được đưa đến chợ nhiều do chờ thời tiết ấm áp hơn. Bên cạnh đó, có lẽ nhiều gia chủ cũng muốn chia tay những con vật yêu của mình cho “đàng hoàng” bằng cách chờ chó con ngủ dậy, cho ăn rồi mới bắt bỏ lồng mang đi.
 

“Chia tay” không hẹn ngày về
 

Theo dân gian, chó giống thường được xem “tướng” qua các đặc điểm sau: đuôi uốn cong hơn 1 vòng trên lưng, ngã về phía bên trái, là chó quý tướng; chó có 2 đốm lông màu vàng đóng ở mí mắt là chó tinh khôn, giữ nhà giỏi mà săn bắt cũng tài; chó nào lưỡi có vài đốm đen hoặc đen nhiều là chó khôn.v.v.
 

Những chú khuyển non được khách hàng chọn theo tiêu chuẩn: khỏe, tỉnh táo, to, đẹp
Những chú khuyển non được khách hàng chọn theo tiêu chuẩn: khỏe, tỉnh táo, to, đẹp


Với những người nuôi chó sành điệu ở thành phố, việc mua chó để nuôi được người mua lựa chọn rất kỹ lưỡng. Những người kỹ tính mua chó nuôi là một việc lớn, bởi chó là con vật gần gũi với chủ nhân nên họ thường xem tướng cún cưng rất cẩn thận. Nhưng với người mua ở chợ quê này, việc xem xét chó chưa hẳn đã được đặt lên hàng đầu. Một người mua chó nuôi đến từ xã Thanh Thịnh chia sẻ với phóng viên: “Mua chó coi nhà chỉ cần khỏe mạnh, nhìn tỉnh táo, sắc mặt tươi, thả ra khỏi lồng không đứng run sợ là chó khôn. Còn soi lựa chọn cho kỹ càng thì đa số được điểm này thì mất điểm khác. “Cứ nhìn phiên phiến, ưng là quyết thôi chú ạ!”- người này mộc mạc cho biết.
 

Không có cảnh buôn đầu chợ, bán cuối chợ, những chú khuyển con ở đây được chọn mua về nuôi hoặc được các tiểu thương thu gom đưa về những chợ quê khác để bán cho những người có nhu cầu. Chị Thủy, ở huyện Quỳnh Lưu làm nghề thu gom cún non trên 10 năm nay chia sẻ với chúng tôi: Chó con được gom về, phân loại để bán cho những xã vùng biển. Vì thế, việc mua phải chọn kỹ về sức khỏe của nó, để cho vào lồng vận chuyển xe máy một đoạn đường dài mà các cún con không bị mệt, nếu nhìn chó ủ rũ sẽ rất khó bán.
 

Phiên “giao dịch” cả kẻ mua và người bán đều vui vẻ, hồn hậu đúng chất chợ quê
Nhãn


Còn với Anh Nguyễn Văn Giang ở chợ Cồn (xã Thanh Dương), ngay từ sáng sớm, anh đã đưa ba chú cún màu đen đựng trong chiếc lồng chim cũ lên tận chợ Dùng để bán. Vượt qua gần 30 km, ba chú cún vẫn ngủ say. Anh Giang cho chúng tôi biết: Anh không phải là người đi buôn chó con, do chó nhà đẻ một lứa 6 con, đông miệng ăn không nuôi nổi anh phải cất công lên đây để bán. Cuối cùng cũng bán được 3 con với giá gần 300 ngàn.
 

Cũng như nhiều phiên chợ quê khác, những chú chó con ở đây được mang từ nhà đi bán, không có cảnh mua đi bán lại ở chợ. Giá chó cũng có nhiều mức, nhưng phổ biến từ 70 đến 150 ngàn đồng một con. Người ở quê sẵn sàng cho không nhau một thứ gì đó, nhưng mỗi khi đã đưa ra chợ bán thì quyết không bị “mua hớ”. Cho nên, việc ngả giá cho một chú khuyển con ở chợ phiên này diễn ra cũng khắt khe không kém. Cũng cảnh một chú cún con bị cò kè bớt một thêm hai, lúc thì dăm mười ngàn, có còn thêm bớt hàng chục ngàn tạo nên những cảnh “tranh cãi” khá quyết liệt bày tỏ quan điểm giữa kẻ bán người mua tạo ra một âm sắc hồn hậu của những cư dân bên sông Lam.
 

Chợ Dùng mỗi tháng họp 6 phiên, gồm những ngày âm lịch của tháng: mồng 4, mồng 9, 14, 19, 24 và 29. Việc mua bán chó con ở chợ được hình thành từ nhiều đời nay, nên người dân Thanh Chương vẫn thuộc câu nói: mua khoai chợ Rộ, mua măng chợ Chùa, mua chó chợ Dùng.
 

Cuối buổi chợ phiên, phần lớn cún con ở đây được theo chủ mới về làm quen với cuộc sống mới, số còn lại theo những lồng chó con toả đi các chợ ở trong và ngoài huyện. Số ít, do chưa bán được giá nên chủ chó đưa trở về nhà hẹn bán vào phiên chợ sau. Có lẽ đây là những chú cún con may mắn nhất trong trong phiên chợ khi chưa phải nói lời chia tay gia chủ và được trở về với “tổ ấm” nơi chó mẹ cả buổi sáng đang hoảng hốt vì mất con.