Nghệ An: Tưng bừng đêm hội “Sắc xuân miền Tây” năm 2018

Văn hóa - Ngày đăng : 20:12, 04/02/2018

(TN&MT) - Tối 3/2, tại sân vận động huyện Quế Phong, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đêm hội Sắc xuân miền Tây năm 2018 và công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Xăng Khan.  

Được biết, đây là lần thứ 5 tỉnh Nghệ An tổ chức Đêm hội Sắc xuân miền Tây với sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Điều đặc biệt, đêm hội năm nay còn tổ chức vinh danh lễ Xăng Khan được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 

Đánh trống khai hội Sắc xuân miền Tây
Đánh trống khai hội Sắc xuân miền Tây

Chương trình được thể hiện theo thể loại ca múa nhạc tổng hợp với nội dung, hình thức thể hiện phong phú, ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước gắn với công cuộc đổi mới. Các tiết mục đều mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc miền Tây xứ Nghệ. Ngoài các nghệ sỹ diễn viên của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Nghệ An, chương trình có sự tham gia biểu diễn của hơn 300 nghệ sỹ, diễn viên và nghệ nhân đến từ các Đội nghệ thuật quần chúng đến từ các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa và Quỳ Hợp.

Cũng trong buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đồng chí Phạm Định Phong - Cục phó Cục Di sản Văn hóa đã trao giấy chứng nhận công nhận lễ Xăng Khan là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 

Tưng bừng đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An
Tưng bừng đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An


Miền Tây xứ Nghệ chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh Nghệ An, dân số 1,2 triệu người, là cái nôi văn hóa rực rỡ sắc màu của đồng bào Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu... tạo nên một bức tranh đa màu sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao xứ Nghệ.
 

Lễ Xăng Khan của người dân miền Tây còn gọi là “Kin Chiêng bóc mạy” có từ lâu đời. Đây là nghi lễ truyền từ đời này sang đời khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái hàng trăm năm nay. Người Thái cho rằng “Xăng” là lời nhắn của ông Mo thầy đã khuất đối với ông Mo còn sống đã được truyền dạy cho nghề thầy cúng. “Khan” là sự nhận lời của ông Mo được truyền dạy hứa hẹn để làm những điều tốt lành hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngày nay, với sự tham gia đông đảo của bà con dân bản, lễ Xăng Khan không còn là ngày lễ của các ông mo mà trở thành ngày lễ chung của cả cộng đồng, với nhiều trình thức, thu hút nhiều người tham gia và trở thành một nghi lễ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ.
 

Bên cạnh chương trình nghệ thuật, lễ tôn vinh lễ hội Xăng Khăn, đêm hội còn nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An như: đánh trống, cồng chiêng, khắc luống, múa sạp mừng hội xuân, trình diễn nghi lễ, nghi thức văn hóa tín ngưỡng dân gian của đồng vào dân tộc thiếu số Nghệ An, đốt lửa trại, uống rượu cần, nhảy múa cộng đồng.