Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Đến làng mạc

Văn hóa - Ngày đăng : 20:18, 04/02/2018

(TN&MT) - Việc các làng lưu giữ được những văn bản quý là một minh chứng hùng hồn cho chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở Thế giới bởi ghi lại người thật, việc thật với nội dung rất rõ ràng. Điều đáng trân quý là chính những người nông dân đã góp công sức trong việc lưu giữ, cung cấp những bằng chứng còn nguyên giá trị lịch sử này, đó cũng là ý thức và niềm kiêu hãnh về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia...  
Thầy Thích Pháp Niệm chỉ rõ tên ngài cai đội Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Niên được khắc trên đại hồng chung còn lưu giữ ở chùa
Thầy Thích Pháp Niệm chỉ rõ tên ngài cai đội Hoàng Sa, Nguyễn Hữu Niên được khắc trên đại hồng chung còn lưu giữ ở chùa

Bảo vật Hoàng Sa từ làng quê

Hàng năm cứ vào độ cuối đông, đầu xuân cũng là lúc bà con họ tộc Nguyễn Hữu làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đem Tập phổ hệ - một báu vật của họ tộc ra phơi ủi ngăn nắp. Đối với họ tộc Nguyễn Hữu, việc làm này vừa có ý nghĩa bảo vệ được sắc phong quý báu khỏi ẩm ướt do thời tiết của mùa đông kéo dài, một phần giúp bà con trong dòng họ gợi nhớ ơn công đức ngài cai đội Hoàng Sa đã quên mình bảo vệ biển đảo, đem lại ấm no, danh dự cho xóm làng.

Cầm trên tay Tập phổ hệ vừa mới đem phơi nắng, ông tộc trưởng Nguyễn Hữu Hùng dùng bàn tay đặt nhẹ trên bàn, miệng rỉ rả những câu chuyện xung quanh báu vật của họ tộc mà chính ông là người cất giữ bấy lâu nay, ông tự hào kể: “Thời ông cụ thân sinh của tui còn sống thường hay kể tôi nghe câu chuyện về ngài cai đội của họ tộc vinh dự được vua ban tước Hiến Đức hầu. Theo lời kể của ông cụ thân sinh hồi đó, cả làng An Nông có Chiếu Vua ban tìm người ra trấn ải vùng biển đảo, trong làng có trên 50 trai tráng mạnh khỏe đăng ký tham gia vậy mà duy chỉ có ngài Nguyễn Hữu Niên được triều đình chọn. Khi cụ được chọn ra làm cai đội ở Hoàng Sa cả làng và họ tộc Nguyễn Hữu vinh dự  lắm. Ngoài việc được vua ban thưởng trọng thị, cứ đến XuânThu nhị kỳ, con dân làng và họ tộc Nguyễn Hữu được miễn, giảm tô thuế”.

 

Bài vị ngài Nguyễn Hữu Niên được đặt trang trọng sau hậu điện chùa Tiên Linh
Bài vị ngài Nguyễn Hữu Niên được đặt trang trọng sau hậu điện chùa Tiên Linh

Những điều ông Nguyễn Hữu Hùng kể lại được tìm thấy trong gia phả việc ngài cai đội Nguyễn Hữu Niên, làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc được vua nhà Nguyễn phong tước Hiến Đức hầu vì có công trấn giữ Hoàng Sa đã được nêu rõ trong tập phổ hệ mà chính ông tộc trưởng dòng họ Nguyễn Hữu đang cất giữ, trong đó ghi rõ: “Đệ cửu thế Tiên Tổ khảo nguyên tiền thừa thụ Tây triều thượng thị châu ấn đại đô uý, tái thụ Nguyễn triều khai quốc sắc phong khâm sai cai đội dinh, Sách Trường hầu Nguyễn Hữu Niên quý công, tam nguyệt thập lục nhật kỵ, mộ táng Cồn Bàng tọa canh hướng giáp,... Tiên tổ danh tước do bản xã tự tịnh hồng chung hiện hữu phụng tự minh chí”.

Dịch nghĩa: “Đời thứ chín Tiên tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước có nhận của triều Tây Sơn chức đại đô uý, sau đến đầu triều Nhà Nguyễn lại nhận sắc phong chức khâm sai cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, tọa canh hướng giáp... Danh tước ngài tiên tổ do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi”.

Đình làng Mỹ Lợi nơi còn cất giữ những bản sao hiện vật liên quan về chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam
Đình làng Mỹ Lợi nơi còn cất giữ những bản sao hiện vật liên quan về chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam

Qua một số tư liệu chúng tôi thu thập trong quá trình thực hiện bài viết, ngài cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên được phong rất nhiều chức vụ, danh tước, nhưng qua thời gian, bây giờ chỉ còn lại những tấm bằng đã mục nát và được ghi lại trong sổ sách gia phả. Về sau, khi ngài qua đời, những thế hệ trước cai quản chùa khắc lên 4 tấm bài vị, trên chuông đồng cổ (gọi là Hồng chung) nặng 451kg .

Để hiểu rõ hơn về danh tính vị Cai đội Đội Hoàng Sa người Thừa Thiên Huế, ông trưởng tộc Nguyễn Hữu Hùng đã giới thiệu đến chùa Tiên Linh để gặp thầy Thích Pháp Niệm trụ trì chùa. Tại đây thầy Pháp Niệm đã giới thiệu về đại hồng chung được xem là báu vật rồi phiên dịch từng chữ Hán vẫn còn ghi rõ trên chuông. Riêng 4 phía mặt bên ngoài chuông đồng khắc chữ Hán liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, trong đó phần chính ở phía mặt trước chuông có ghi rõ: “Hội thủ cai đội Niên Trường hầu Nguyễn Hữu Niên...”. Dịch nghĩa: “Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức cai đội tước Niên Trường hầu...”. Riêng bài vị hiện thờ tại hậu điện chùa Tiên Linh ghi: “Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội cai đội Hiến Đức hầu quý công chi vị”. “Bài vị của ngài cai đội Đội Hoàng Sa tước Hiến Đức hầu”.

Qua những tư liệu quý đó cho chúng ta biết Nguyễn Hữu Niên đời thứ chín họ Nguyễn Hữu làng An Nông, vốn trước là quan chức của triều Tây Sơn, sau đầu triều Nguyễn nhận chức cai đội Đội Hoàng Sa.

Văn bản tư liệu về Hoàng Sa tại Đình làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc
Văn bản tư liệu về Hoàng Sa tại Đình làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc

Như vậy, từ thời các chúa Nguyễn tiếp đến thời Tây Sơn rồi đến hết triều nhà Nguyễn, nhà nước Việt Nam đều liên tục quan tâm đến biển Đông và từng bước xác lập vững vàng chủ quyền vùng lãnh hải của đất nước. Những tư liệu trên góp phần củng cố lập trường xác định chủ quyền của Việt Nam. Xưa nay theo thư tịch cổ Đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nhà Nguyễn đều tuyển dụng người xã An Vĩnh (trong đất liền cũng như ngoài đảo Lý Sơn), Quảng Ngãi. Nay phát hiện thêm một vị cai đội Đội Hoàng Sa là người Thừa Thiên Huế. Đây là một vị quan chức từ triều Tây Sơn qua triều Nhà Nguyễn. Dưới thời Thái tổ Võ Hoàng đế Nguyễn Văn Huệ vẫn tiếp tục Đội Hoàng Sa, nhưng bắt đầu tuyển dụng người ở Thừa Thiên Huế vì lúc bấy giờ từ Quảng Ngãi trở vào thuộc quyền Nguyễn Văn Nhạc.

Ngôi đình giữ văn bản quý

Xuôi về vùng biển, đình làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính của ngôi đình làng gần 300 tuổi. Năm 2010, một sự kiện làm cho người trong làng từ ngỡ ngàng đến tự hào chính là việc những nhà nghiên cứu đã phát hiện hai văn bản quý do làng lưu giữ có bút phê của vua liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Lật cuốn lịch sử của làng có lưu lại hình ảnh văn bản quý đã được làng bàn giao bản gốc cho Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Hải, trưởng ban nghi lễ làng Mỹ Lợi cho biết: “Dân làng Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, trong đó khẳng định chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”. Văn bản do làng Mỹ Lợi lưu giữ có từ năm Quý Hợi (1743), dưới thời nhà Lê, được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và phường An Bằng (làng An Bằng) về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. 

Đại hồng chung khắc tên ngài cai đội Đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên
Đại hồng chung khắc tên ngài cai đội Đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên

Văn bản dịch: “Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng. Nguyên năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tin ở chỗ giáp ranh, kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758) khoản của thuyền thủ Trường, phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vô tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vô tàu ấy, phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (tức ngày 6/11/1759)”.

Trong thâm tâm của mỗi người con dân nước Việt hai từ Hoàng Sa luôn gợi nhắc về một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng như bao làng quê khác từ hàng trăm năm nay, những bảo vật Hoàng Sa luôn được bà con nông dân Thừa Thiên Huế trân quý gìn giữ bằng cả trái tim mình. Một ý thức và niềm kiêu hãnh thầm lặng về chủ quyền biển đảo Tổ quốc luôn tồn tại và truyền cảm hứng cho bao thế hệ trong từng làng mạc đến ngày hôm nay.