Huyện nghèo Nam Giang “lãng quên” công trình văn hóa tiền tỷ
Văn hóa - Ngày đăng : 20:23, 12/01/2018
Là một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nam Giang vào khoảng 48%, có đến hơn 81% số hộ dân là người đồng bào thiểu số.
Theo chúng tôi tìm hiểu, công trình Nhà truyền thống huyện Nam Giang tại thôn Cà Rung, xã Cà Dy có kinh phí xây dựng gần 3 tỷ đồng, được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2009. Tại đây trưng bày và giới thiệu nhiều loại nhạc cụ, cồng chiêng, mô hình nhà, mồ truyền thống,… của người dân bản địa; là nơi sinh hoạt cộng đồng vào mỗi dịp lễ tết và cũng là địa điểm tham quan, du lịch tại huyện Nam Giang.
Tuy nhiên, công trình này đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Mái tôn của nhà truyền thống đã bị dột, lan can bị đổ gãy, cổng sắt thì bị hoen rỉ, mục gãy nên nhà truyền thống buộc phải đóng cửa từ sau đợt mưa lũ năm 2016 đến nay.
Chúng tôi nhận thấy sự hoang tàn khi có mặt tại Nhà truyền thống huyện Nam Giang. Bên trong và phía ngoài cổng nhà truyền thống tiền tỷ đã biến thành bãi chăn thả bò của người dân.
Anh Bờ Nước Tơ (trú thôn Cà Rung, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) đang cho đàn trâu ăn cỏ phía bên hông của nhà truyền thống chia sẻ, cả năm nay nhà truyền thống không mở cửa đón khách tham quan nữa, công trình trở nên rất đìu hiu.
Người dân thôn Cà Rung, xã Cà Dy cũng bày tỏ mong muốn của mình trong các cuộc họp về việc huyện cho địa phương mượn nhà truyền thống này để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, song chưa được chấp thuận.
Ngành Văn hóa thông tin huyện Nam Giang cũng đã cử cán bộ xuống khảo sát để đề xuất kinh phí sửa chữa là hơn 1 tỷ đồng trước sự xuống cấp của nhà truyền thống. Tuy nhiên, việc tu sửa Nhà truyền thống huyện Nam Giang chưa được tính đến. Vì theo kế hoạch, tháng 5/2018, các cơ quan hành chính của huyện Nam Giang sẽ được di dời từ khu vực Bến Giằng về thị trấn Thạnh Mỹ. Do đó trước mắt, ngành Văn hóa thông tin huyện Nam Giang đã mang các vật dụng trưng bày trong nhà truyền thống cất vào kho để khi di dời xuống thị trấn Thạnh Mỹ sẽ tìm chỗ bố trí trưng bày lại các vật dụng này. Tương lai, công trình tiền tỷ này không biết sẽ đi đâu về đâu, “số phận” của nó chưa biết thế nào, chỉ biết nó đang ngày càng xuống cấp vì sự thờ ở và lãng quên của các lãnh đạo ở địa phương.
Ngoài ra, tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang, không riêng Nhà truyền thống tiền tỷ đó mà còn có công trình khác là Nhà sinh hoạt cộng đồng - phòng tránh thiên tai kết hợp nhà trẻ làng Rô, cũng được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016 với kinh phí xây dựng khoảng 5 tỷ đồng, nằm bên dòng sông Đăk Mi.
Theo chia sẻ của anh Đinh Văn Xô- Trưởng thôn Rô, xã Cà Dy, thì làng Rô là một địa chỉ Cách mạng, người dân làng Rô từng tổ chức nuôi giấu nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng tại đây, trong đó có nhà thơ Tố Hữu. Cả thôn Rô có 122 hộ là người đồng bào Cơ Tu thì có đến 81 hộ là hộ nghèo.
Người dân đã bày tỏ sự lo lắng từ khi bắt đầu xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng - phòng tránh thiên tai kết hợp nhà trẻ làng Rô vì thấy được các chi tiết của nhà sinh hoạt cộng đồng này không phù hợp với văn hóa của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Trong đó, dàn âm thanh ở hội trường tầng hai của nhà truyền thống này khi nói thì âm thanh bị dội, rất khó nghe. Từ khi xây dựng đến nay, mặc dù có thêm chức năng là nhà trẻ ở tầng một, tuy nhiên trẻ em làng Rô cũng chưa được vào học, chưa được chăm sóc tại nhà sinh hoạt cộng đồng này, hằng ngày các em vẫn phải học ở những phòng học xuống cấp trong thôn, chỉ vì xây nhà xong không có kinh phí mua sắm bàn ghế và các trang thiết bị phục vụ dạy và học. Do đó, tình trạng nhà sinh hoạt cộng đồng tại làng Rô nhanh chóng bị lãng quên và xuống cấp là điều khó tránh khỏi.
Thiết nghĩ, việc xây dựng các công trình văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở huyện Nam Giang nói riêng và các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nói chung là cần thiết. Song, các công trình này cần phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương để phát huy tốt nhất vai trò của nó.
Hiện này, tại địa phương, cung - cầu đang đi lệch hướng nhau, theo chia sẻ của anh Xô, một cán bộ của thôn: “Hầu như nhà nào ở làng Rô cũng có đất rẫy phía bên kia sông Đăk Mi. Người ít thì cũng hơn 2ha, người có nhiều lên đến hàng chục héc-ta. Tuy nhiên, do không có cầu bắc qua sông Đăk Mi đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong thôn mỗi khi đi làm nương rẫy. Làm nhà sinh hoạt cộng đồng rất tốt rồi, song cái mà người dân làng Rô mong mỏi hơn hết vẫn là một cây cầu bắc qua dòng Đăk Mi để người dân có thể thuận lợi đi làm nương rẫy, từ đó phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.