Chuyên gia hiến kế bảo tồn Hồ Gươm, ngăn chặn xâm hại

Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 15/05/2017

Theo KTS Lại Thành Tín, Hồ Gươm được coi như lõi của đô thị cổ của Hà Nội. Cùng với khu 36 phố phường và khu Hoàng thành Thăng Long...

Đó là chia sẻ của Th.S - KTS Lại Thành Tín, từng nhận giải nhất trong cuộc thi "Đánh thức không gian" của Hội đồng Anh bằng ý tưởng “Cầu Long Biên ngày và đêm”, với Báo NNVN trước những ý kiến đề xuất bổ sung và thay đổi không gian quanh Hồ Gươm.  

Hà Nội bác đề án đúc tượng “Thần Kim Quy”
 
Vào cuối tháng 3/2017, công dân Tạ Hồng Quân gửi UBND TP Hà Nội - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các đơn vị liên quan Đề án Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm - “Thần Kim Quy”. Nội dung đề án nêu rõ, lý do đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng xuất phát từ “Thần Kim Quy” gắn liền với truyền thuyết lịch sử, qua nhiều câu chuyện khác nhau.
 
Đề án nêu rõ kế hoạch đúc tượng Rùa vàng Hồ Gươm chất liệu bằng đồng nguyên chất được mạ vàng tại bờ Hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến biểu tượng Rùa vàng có chiều dài khoảng 2,5 - 3,5m, chiều cao gồm cả bệ khoảng 2,5m, có trọng lượng khoảng 6 - 10 tấn. Thời gian đúc biểu tượng Rùa vàng dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.
 
Hồ Gươm - viên ngọc của Thủ đô
Hồ Gươm - viên ngọc của Thủ đô
 
Sau thời gian xem xét, Sở VH-TT Hà Nội đã chính thức có văn bản trả lời. Theo Sở VH-TT Hà Nội mục đích đúc biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy” trở thành biểu tượng của Hà Nội - Việt Nam là không phù hợp bởi vì biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được quy định tại điều 6 Luật Thủ đô năm 2012.
 
Ngoài ra, từ năm 2013, Hồ Gươm đã được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, do vậy việc chỉnh trang, xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích phải được nghiên cứu thận trọng và thực hiện đúng theo Luật Di sản Văn hóa.  
 
Giá trị không gian đô thị
 
Theo KTS Lại Thành Tín, Hồ Gươm được coi như lõi của đô thị cổ của Hà Nội. Cùng với khu 36 phố phường và khu Hoàng thành Thăng Long hợp thành tam giác trọng điểm cấu thành trung tâm đô thị của Hà Nội. Là khoảng giãn - không gian cảnh quan của đô thị trung tâm. Là không gian chuyển đổi giữa hai cấu trúc độ thị: khu phố cổ và khu phố Pháp.
 
Trong quy hoạch thời Pháp, Hồ Gươm được quy hoạch dành riêng cho chức năng là quãng giãn của các trục phát triển chính: trục từ bờ sông Hồng đến Hoàng thành - là đường Tràng Thi hiện nay có chức năng hành chính và tôn giáo, trục từ Bà Triệu đến hết Nguyễn Du: có chức năng nhà ở cho công chức của Chính phủ Pháp, tiếp từ Nguyễn Du đến Đại Cồ Việt là khu ở cho tư sản người Việt.
 
“Vô hình chung, Hồ Gươm được coi là là điểm giao thoa chính cho 4 bộ phận cấu thành đô thị thời Pháp. Chồng khít lên cấu trúc đô thị cổ truyền thời phong kiến. Vì vậy, trong quy hoạch về cảnh quan, người Pháp đã kiểm soát không gian Hồ Gươm bằng cách giới hạn chiều cao tầng, sử dụng hệ thống cây xanh tạo khoảng không gian thông thoáng xung quanh Hồ Gươm, và không có vật cản trở tầm nhìn của người đi bộ xung quanh hồ”, KTS Tín phân tích.
 
Với những giá trị lịch sử, văn hoá, và ý đồ thiết kế không gian đô thị như vậy, Hồ Gươm xứng đáng được coi là đối tượng đặc biệt trong đô thị Hà Nội hiện nay.  
 
Ba khía cạnh bảo tồn di sản Hồ Gươm
 
KTS Lại Thành Tín nêu ra 3 phương hướng bảo tồn Hồ Gươm đó là: Bảo tồn nghiêm ngặt - bảo tồn chuyển đổi chức năng - bảo tồn linh hoạt.
 
Bảo tồn nghiêm ngặt với các công trình lịch sử: tháp Rùa - tháp Hoà Phong - đền Bà Kiệu - đền vua Lê - quần thể Tháp Bút, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Bảo tồn chuyển đổi chức năng với các công trình thời pháp, gồm hai nhóm công trình, công trình hành chính Bưu điện, Nhà hát lớn, nhà văn hoá Hàng Trống, trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, trụ sở báo Hà Nội mới, trụ sở Sở VH-TT-DL Hà Nội, trụ sở UBND thành phố Hà Nội.
 
Việc bảo tồn sẽ theo hướng chia sẻ dịch vụ công cộng và chuyển đổi chức năng theo hướng dịch vụ công cộng và dịch vụ xã hội. Bảo tồn linh hoạt bao gồm các không gian đi bộ, không gian xen kẽ và không gian lưu thông đô thị, đảm bảo giới hạn độ cao không quá 10m đối với các công trình tiệm cận hồ, giới hạn độ cao không quá 2m đối với các công trình dịch vụ và trang trí dài hạn và trung hạn.
 
Về cảnh quan Hồ Gươm và vấn đề thiết kế đô thị, KTS Lại Thành Tín cho rằng:
 
Cảnh quan Hồ Gươm được cấu thành bởi 5 yếu tố: mặt nước, các công trình trên mặt nước: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Hệ thống đường dạo và hệ thống cây xanh quanh Hồ Gươm. Hệ thống công trình tiệm cận Hồ Gươm. Hệ thống hạ tầng: chiếu sáng, điện và viễn thông, thoát nước. Và con người.
 
Các thành tố nêu trên cần được tổ chức đồng bộ, đồng thời giữ nguyên được giá trị độc lập, tạo ra sự phong phú sống động, hấp dẫn người nhìn. Trong đó, yếu tố được chúng ta dành nhiều sự quan tâm hiện nay lại là hệ thống vỉa vè, chiếu sáng và hệ thống các công trình tiệm cận hồ gươm.
 
“Chúng ta đang dành quá nhiều tiền của vào những hạng mục trang trí theo thời điểm, mà quên mất rằng, chúng ta cần một kế hoạch tổng thể cho toàn bộ các hạng mục, một kế hoạch tổng thể đi kèm với chiến lược quản lý dài hạn cho 5 yếu tố trên, phối hợp đồng thời để có một không gian văn minh”, ông Tín nói.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam