Tết sum vầy
Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 06/02/2016
1. Nhớ lại Tết xưa ở quê tôi, vùng đồng chiêm trũng: “Bình Lục đồng trắng nước trong/ Cơm gạo thì ít, rong rêu thì nhiều” cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, dù khó khăn nhưng mọi nhà đều tất bật chuẩn bị Tết. Trước Tết, cha, mẹ thường về quê chúc tết bên nội, bên ngoại.
Cũng sáng 30 Tết, bát hương bàn thờ tổ tiên được thay tro mới. Đồ lễ thờ tổ tiên trong dịp Tết thường là mâm ngũ quả, hương hoa, bánh chưng, các loại bánh khác. Cũng trên bàn thờ, để vài bánh pháo, chai rượu và thắp đèn dầu đến hết ngày Rằm tháng Giêng. Chiều muộn ngày 30 Tết, mọi nhà sắp mâm lễ cúng tổ tiên cuối năm. Bố tôi thắp hương lên bàn thờ, kính cẩn mời tổ tiên về hưởng lộc, ăn cơm tất niên với con cháu. Bữa cơm tất niên cuối năm, cha mẹ thường nhắc nhở anh em tôi những việc chưa làm được trong năm và việc phải làm trong năm tới.
Đêm 30 Tết đón giao thừa, việc quan trọng nhất là chăm lo cho đèn nhang trên bàn thờ tổ tiên, làm những công việc còn lại mà ban ngày chưa làm kịp. Bố mẹ tôi thường ở nhà, anh em tôi được mặc những bộ quần áo mới nhất cùng bạn bè trong xóm đi hái lộc trong chùa làng. Trong tay, trong túi đứa nào đứa nấy cũng thủ vài dây pháo tép (một loại pháo nhỏ được tết thành chùm). Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 0 giờ là thời khắc bước sang năm mới, sau những lời chúc mừng của mọi người tới chùa, sư trụ trì sẽ cho mọi người hái lộc (cành cây được trồng trong chùa) và dặn mọi người chỉ nên lấy một cành thật nhỏ để mang về đặt trên bàn thờ. Tại chùa, sau khi hái lộc, chúng tôi tranh thủ châm những bánh pháo tép, chơi đùa rồi về nhà.
Sau khi mang cành lộc về nhà, đặt trên bàn thờ, anh em tôi thường được bố mẹ lì xì và chúc trong năm mạnh khỏe, học hành tấn tới. Sau đó, cả nhà thường đi đốt pháo. Bánh pháo đêm giao thường thường là bánh pháo lớn; còn nhớ hồi đó, khi bánh pháo được treo lên trước cổng, tôi thường vừa thích, vừa sợ khi châm. Tôi run run châm pháo thật nhanh, rồi bịt tai lại những vẫn nghe những tiếng nổ rất đanh. Mùi thuốc thơm nồng, đặc quánh trong không khí mà mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy nó lẩn quất đâu đây trong gió, trong tóc và trong quần áo mới…
Sáng mùng một Tết, cả nhà thức dậy quây quần ăn sáng. Sau đó, anh em tôi thường mặc quần áo mới cùng bố đèo về quê nội chúc Tết, còn mẹ sẽ ở nhà làm cơm cúng. Quê nội tôi ở Nam Định cách nhà gần 20 cây, trước đây chúng tôi đi bằng xe đạp nên phải mất cả tiếng đồng hồ. Về quê, điều thú vị và mong chờ nhất của anh em tôi là được bố đưa chúng tôi đi chúc tết các ông, bà, chú bác, nhận những đồng tiền mừng tuổi để lấy may.
Mùng 2, mùng 3, anh em thường tập trung cùng bạn bè trong xóm vào làng sau nhà xem hội Tết. Trong làng, các cụ thường chơi tổ tôm, cờ tướng người. Nhóm trung niên và thanh niên tụ tập môn bầu tôm cua chắn và tá lả. Bọn trẻ thì cờ vua, đố chữ, chơi phăng, đánh đáo… Thường thì trong ngày mùng 3, gia đình tôi mới tiễn chân các cụ.
2. Tết nay, khi lớp tuổi chúng tôi trưởng thành, bôn ba khắp mọi miền để lập nghiệp. Người đi xuất khẩu lao động, người làm báo, kỹ sư, kinh doanh… nhưng, dù có làm nghề gì, mỗi dịp xuân về, Tết đến, mọi người đều cố gắng về quê, quây quần bên gia đình. Mặc dù, Tết nay, đã khác nhiều, chợ thường mở vào chiều mùng hai nhưng mọi nhà đều vẫn chuẩn bị, mua sắm trước Tết. Chợ trước Tết vẫn đông đúc trong ánh hồng của đào, vàng của quất từ 15 - 30 Tết.
Tết nay, khi bố, mẹ tôi đã nghỉ hưu, tóc ngày càng thêm bạc, chúng tôi cũng không còn trẻ, lại phải lo chuyện làm ăn nên cả hai anh em tôi đều không thể về sớm để cùng bố, mẹ dọn dẹp nhà cửa, lo gói bánh chưng. Mẹ tôi cũng đặt hoặc mua sẵn của một số nhà hàng có tiếng trong làng. Tuy nhiên, với tôi, ở cái tuổi tam thập nhi lập, sống xa quê, cảm giác được gói bánh chưng và thức cả đêm để trông nồi bánh vẫn làm xốn xang, bâng khuâng như khi còn trong vòng tay cha mẹ…
Công việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, ban thờ cũng vẫn vậy, chỉ có khác là mấy năm gần đây, đêm 30, sau khi thắp hương tất niên, bố thường bảo tôi đưa vào đình ở làng phía sau nhà để làm lễ trừ tịch (tất niên) cùng các bậc cao niên trong làng. Ở đình, các bậc cao niên sẽ mặc các bộ quần áo lễ, đội mũ, đi giày như thời phong kiến và dâng lễ khấn vái thành hoàng làng, cầu một năm mới tốt lành, quốc thái - dân an.
3. Có lẽ, Tết ở miền nào cũng thế, xưa cũng thế và nay cũng vậy, nó là dịp để gia đình, họ hàng sum họp, bạn bè được gặp nhau hàn huyên tâm sự sau một năm tấp bật, mưu sinh. Hàng xóm, láng giềng cũng trở nên gần hơn, trẻ em vui hơn trong những bộ quần áo được bố mẹ sắp diện Tết… Có lẽ, xã hội ngày càng phát triển, Tết nay đã khác nhiều! Nhưng, dù có đi đâu, về đâu, khi chim én ríu rít báo hiệu mùa Xuân về, Tết đến vẫn thiêng liêng, cổ kính vọng về trong tâm hồn những người con đất Việt như trong câu hát:
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoa sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình.
Tuyết Nhi