Gốm Chu Đậu rất giống gốm Hoàng Thành Thăng Long
Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 18/01/2015
(TN&MT) - Báo cáo mới nhất cho biết di vật thu được của Gốm Chu Đậu có những loại hình giống như đồ gốm tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long...
(TN&MT) - Theo báo cáo của Bảo tàng Hải Dương và Trung tâm nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ gốm Chu Đậu, tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày 17/1 thì Di vật thu được của Gốm Chu Đậu có những loại hình giống như đồ gốm tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long...
Sản phẩm gốm Chu Đậu
Báo cáo khoa học cho biết, cuộc khai quật được tiến hành từ ngày 5/12/2014 đến ngày 5/1/2015, trên diện tích 100m2, gồm hai hố, chiều sâu khoảng trên dưới 2m. Hố 1 với diện tích 54m2, qua khai quật có thể nhận thấy rất rõ 4 tầng văn hoá qua mặt cắt. Tại hố này đã phát hiện rất nhiều mảnh bao nung, chồng dính, đồ gốm men và con kê...qua đó cho thấy khu vực này là bãi đổ phế thải của các xưởng gốm xưa có khung niên đại thời Lê sơ (khoảng cuối TK 15 đầu TK 16) ....Hố 2 có diện tích trên 47m2, khai quật cho thấy 3 tầng văn hoá. Kết quả tìm thấy được dấu tích phần đáy lò của lò gốm, trong đó phần còn lại khá rõ ràng về phần bầu đốt, phần thân và đuôi lò, nhưng vẫn có thể nhận được phạm vi của lò, qua lớp đất dưới bị cháy do nhiệt lò nung...Di vật thu được rất phong phú, mang đặc trưng của Gốm Chu Đậu, đặc biệt trong đó có những loại hình giống như đồ gốm tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long...
Cuộc khai quật càng thêm khẳng định Chu Đậu là trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp, xuất hiện từ cuối thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 17, sản phẩm từng được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bên cạnh dấu tích lò nung gốm, ở hố khai quật liền kề, đã tìm thấy phần nền của một mặt bằng cư trú. Việc san lấp ao/hồ bằng các đồ phế thải diễn ra vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 cho thấy sự mở rộng về quy mô sản xuất trước nhu cầu phát triển thị trường.
Qua kết quả cuộc khảo cổ được các nhà khoa học đánh giá là rất có giá trị, thống nhất đề nghị TW và tỉnh tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn giá trị lịch sử văn hóa về làng gốm cổ Chu Đậu; từ đó có chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm, đồng thời cần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng và chuẩn xác về gốm.
VD