Quảng Ninh: Bảo vệ tuyệt đối vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long

Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 20/01/2015

Sáng nay, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo công tác quản lý, bảo tồn di sản và khu di tích lịch sử danh thắng.
Sáng nay, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo công tác quản lý, bảo tồn di sản và khu di tích lịch sử danh thắng.
   
  Ông Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo công tác quản lý khu vực vùng lõi, vùng đệm của di sản Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và công tác bảo tồn, tôn tạo một số di tích thuộc khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.
   
  Theo báo cáo của BQL Vịnh Hạ Long, khu vực bảo vệ tuyệt đối của di sản Vịnh Hạ Long có diện tích 434km2, được xác định tại 3 điểm cụ thể là đảo Đầu Gỗ, đảo Cống Tây và đảo Đầu Bê, các phần giáp ranh còn lại mới chỉ được ước lượng, chưa được xác định rõ.
   
  Khu vực vùng đệm của di sản cũng đã được xác định cụ thể tại một số điểm, phía Bắc dọc theo quốc lộ 18A, kể từ đường vào đảo Tuần Châu đến cây số 11 phường Quang Hanh, Cẩm Phả.
   
  Các phần giáp ranh còn lại được xác định rộng từ 5 – 7km tính từ đường ranh giới vùng bảo vệ tuyệt đối. Đây là những khó khăn cho việc xác định ranh giới vùng đệm của di sản, làm nảy sinh những bất cập trong việc phân cấp quản lý, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các dự án trong và xung quanh khu vực bảo vệ của Vịnh Hạ Long.
   
  Bên cạnh đó, công tác quản lý của các ngành, địa phương chưa bám sát vào các quy định, yêu cầu quản lý di sản trong vùng đệm; chưa quy định rõ nhiệm vụ của các ngành, địa phương liên quan trong công tác phối hợp quản lý vùng đệm di sản nên việc quản lý còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
   
  Vì vậy, Ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã đề xuất phương án xác định lại ranh giới các khu vực bảo vệ của di sản Vịnh Hạ Long, gửi các sở, ngành, địa phương tham gia ý kiến, nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, đồng thời làm cơ sở quy định cụ thể nhiệm vụ của các ngành, địa phương liên quan trong công tác phối hợp quản lý.
   
Ông Nguyễn Văn Đọc - chủ tịch UBND Quảng Ninh chỉ đạo cuộc họp
    
Đối với khu di tích Yên Tử, các dự án đang gây nhiều ý kiến trong dư luận là dự án phục hồi, tôn tạo chùa Một Mái – Am Dược và dự án chỉnh trang khu tháp Tổ - Mắt Rồng. Trong đó, chùa Một Mái đã xây dựng đúng hồ sơ thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
   
  Am Dược theo thiết kế có diện tích 124m2, mặt bằng hình chữ Đinh, gồm 3 gian tiền đường, 1 gian hậu cung và hệ thống khuôn viên cảnh quan. Sau khi phát hiện thi công nền móng công trình không đúng với hồ sơ thiết kế đã phê duyệt, BQL Các di tích trọng điểm đã có văn bản số 135 ngày 23-12-2014 đề nghị tạm dừng thi công, thu gom hiện vật, đánh số phân loại để tiếp tục sử dụng lại vào công trình. Dự án chỉnh trang khu Tháp Tổ - Mắt Rồng hiện đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa đảm bảo hồ sơ dự án theo quy định.
   
  Sau khi thống nhất ý kiến của các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có những kết luận cụ thể. Liên quan đến Di sản Vịnh Hạ Long, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, khai thác tại vùng lõi di sản, với nhiều giải pháp hiệu quả như: ngăn chặn việc khai thác đá, cây cảnh, tiến hành di dời làng chài trên Vịnh Hạ Long…
   
  Quá trình lập hồ sơ Di sản Vịnh Hạ Long đến nay đã có nhiều thay đổi, thành phố Hạ Long có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, phát sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho công tác quản lý.
   
  Ông Nguyễn Văn Đọc đề nghị: “Với vùng lõi phải tuyệt đối bảo vệ. Tiến hành điều chỉnh, lập lại hồ sơ, bản đồ về vùng lõi của di sản cho phù hợp thực tiễn, điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh ranh giới vùng đệm có tính khả thi, thực tiễn cao. Việc khai thác Vịnh Hạ Long phải đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.
   
  Quan điểm chung trong quản lý di sản là phải đổi mới, việc quản lý đề cao tính hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành tách Ban quản lý Vịnh để chuyên sâu về khâu quản lý nhà nước về di sản; giao doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ; nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long tiến hành nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.”
   
  Với khu di tích Yên Tử, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị phải thận trọng trong công tác quản lý vì đây là di sản có lịch sử lâu đời. Thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều công trình di tích được phục hồi, tu bổ, tôn tạo tốt như chùa Đồng, chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu…
   
  Quá trình tiến hành tu bổ di tích cần thận trọng, phải được làm kỹ càng, đúng quy trình. Với các di tích là phế tích, các cơ quan được giao làm chủ đầu tư cần cố gắng tìm hiểu lịch sử để tu bổ, tôn tạo phù hợp. Việc trùng tu Am Dược hiện nay, chủ đầu tư cần hoàn thiện hồ sơ, trình các cơ quan chức năng để xin điều chỉnh thiết kế theo quy định…
   
Theo VOV