Gần 60 tỷ đồng phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ
Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 04/07/2014
Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” vừa được phê duyệt...
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.
Theo đó, trong đề án này sẽ thực hiện các dự án gồm dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ 2014-2016 với kinh phí 2,1 tỷ đồng; dự án xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ 2014-2020, kinh phí thực hiện 50 tỷ đồng; dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thực hiện từ 2014-2016 với kinh phí 7,8 tỷ đồng.
Mục tiêu đề án nhằm khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ (nay là thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này; nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ; quảng bá, giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới và tiến hành việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2014. Trước mắt sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá giá trị của tranh dân gian Đông Hồ và bảo vệ, phục hồi di sản văn hóa phi vật thể này ở cộng đồng, nhà quản lý, nhà nghiên cứu. Phân tích đánh giá thực trạng, kết quả bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian Đông Hồ trong xã hội hiện nay; dự báo tác động gây nguy cơ mai một dòng tranh. Đồng thời xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia thông qua cấp có thẩm quyền để đệ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào thời điểm thích hợp.
Đề án được thực hiện 7 năm, từ 2014 đến 2020, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam làm đơn vị tư vấn phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Thành.
Theo TTXVN