Thừa Thiên-Huế: Nhiều di tích kiến trúc gỗ có nguy cơ sụp đổ

Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 26/05/2014

Quần thể di tích cố đô Huế hiện vẫn còn khoảng 400 công trình di tích trong tình trạng hư hỏng nặng…
Quần thể di tích cố đô Huế hiện vẫn còn khoảng 400 công trình di tích trong tình trạng hư hỏng nặng…
   
  Vụ sập mái di tích Phu Văn Lâu ở Huế đã gây xôn xao dư luận hơn một tuần nay, bởi đây là di tích quan trọng thuộc hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế. Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác trùng tu, bảo tồn các di sản có kiến trúc gỗ truyền thống khác ở khu di sản Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
   
  Có ý kiến cho rằng, sự cố sụp đổ di tích Phu Văn Lâu Huế vừa qua phải chăng do chủ quan trong công tác trùng tu di tích ở Huế? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì Di tích Phu Văn Lâu bị sập, trước hết do thiếu sự quan tâm đến việc bảo vệ trùng tu và tôn tạo di tích này. Phu Văn Lâu là công trình kiến trúc rất đặc biệt trong hệ thống kinh thành Huế. Về mặt lịch sử, đây là một công trình được xây dựng rất sớm từ thời vua Gia Long (1819) với một công năng hết sức quan trọng: là nơi niêm yết những chiếu chỉ của triều đình; ghi danh bảng vàng tiến sĩ sau mỗi khoa thi và là nơi tổ chức những buổi trình diễn nghệ thuật của triều đình để công chúng thưởng ngoạn.
   
  Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phân tích: “Chúng ta bị xu hướng tập trung cho những công trình kiến trúc to, bề thế mà không đánh giá đúng mức những giá trị những công trình kiến trúc độc đáo. Vì chúng ta lơ là như vậy, chuyện sụp đổ là đương nhiên. Không những Phu Văn Lâu mà Nghinh Lương Đình… cũng đang có nguy cơ sụp đổ. Theo tôi, phải có đánh giá lại giá trị các công trình kiến trúc kinh thành Huế, sẽ có chiến lược bảo tồn, tu bổ tôn tạo đúng mức hơn”.
   
Sửa chữa phần mái bị sập của Phu Văn Lâu
    
  Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng, qua sự việc này gióng lên lời cảnh báo về công tác trùng tu, bảo tồn các di tích có kiến trúc gỗ truyền thống ở Huế. Tại cố đô này, nhà Nguyễn đã để lại một hệ thống kiến trúc gỗ đặc sắc tiêu biểu của thiết chế kiến trúc cung đình.
   
  Theo ông Phan Thuận An, do bị ảnh hưởng của khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ nên nhiều di sản kiến trúc gỗ truyền thống ở Huế  bị xuống cấp nghiêm trọng. Rút kinh nghiệm vừa rồi, cần phải thăm dò thường xuyên để ngăn ngừa những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
   
  Hiện nay, rất nhiều di tích ở Huế như: Điện Hòa Khiêm, Điện Lương Khiêm, Y Trì Khiêm Viện Lăng Tự... cần được trùng tu khẩn cấp. Tuy nhiên do nguồn kinh phí đầu tư quá ít ỏi nên việc trùng tu, tôn tạo gặp không ít khó khăn. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: Trên thực tế, hầu hết các công trình kiến trúc gỗ trên thế giới cứ sau 20 năm phải trùng tu một lần, nhưng ở Huế không thể làm như vậy do thiếu kinh phí. Di tích Huế đang quản lý một khối lượng các công trình đồ sộ, với nguồn vốn trùng tu hàng năm khoảng 90 tỷ đồng như hiện nay chưa đáp ứng được cho việc trùng tu đồng loạt các công trình, chỉ lựa chọn trùng tu những công trình quan trọng và cấp thiết nhất.
   
  Quần thể di tích cố đô Huế hiện vẫn còn khoảng 400 công trình di tích trong tình trạng hư hỏng nặng... Thế nhưng, việc bảo tồn, trùng tu các di tích này đang gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các di tích có kiến trúc bằng gỗ. Và nếu không kịp thời sửa chữa thì việc sụp đổ như di tích Phu Văn Lâu là không thể tránh khỏi.
   
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung