Lễ hội Cầu Ngư Khánh Hòa đón nhận bằng Di sản phi vật thể quốc gia
Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 10/04/2014
(TN&MT) - Lễ cầu ngư là một hoạt động văn hóa, tập tục lâu đời của người dân vùng biển từ Bắc miền Trung trở vào Nam, đặc biệt là Nam Trung bộ mà điển hình là...
(TN&MT) - Lễ cầu ngư là một hoạt động văn hóa, tập tục lâu đời của người dân vùng biển từ Bắc miền Trung trở vào Nam, đặc biệt là Nam Trung bộ mà điển hình là Khánh Hòa.
Lễ hội cầu ngư là một hoạt động tín ngưỡng đặc sắc của cư dân vùng biển
Ngày 10/4, tại TP. Nha Trang, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng Di sản phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa” do Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch công nhận.
Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian, tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội văn hóa làng biển, qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, hướng về cội nguồn và tạo nên sự kết nối cộng đồng bao đời nay của cư dân vùng biển Khánh Hòa.
Lễ hội Cầu Ngư còn gọi là Lễ Nghinh Ông, là một hoạt động văn hóa mang tính tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung bộ, bắt nguồn từ tục thờ Thần Nam Hải (cá voi).
Lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức sau Tết âm lịch hàng năm, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn Thần Nam Hải đã phù trợ họ trong những chuyến ra khơi, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời cầu quốc thái dân an, mong được mùa trong vụ biển mới. Hiện nay, lễ hội này ở Khánh Hòa còn bảo lưu các nghi thức truyền thống với các nghi lễ: lễ rước sắc, lễ Nghinh Ông, hò Bá trạo, lễ Tỉnh sanh, lễ Tế chánh, thứ lễ và tôn vương, lễ Tống na.
Tại buổi lễ, tỉnh Khánh Hòa đã công bố quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc công nhận Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa là Di sản văn hóa phi vật thể và đại diện UBND tỉnh đã trao tặng Bằng di sản phi vật thể quốc gia cho đại diện của 46 đình làng có tổ chức lễ hội này.
Tin và ảnh: Ni Na