Phong tục ngày Tết ở vùng cao Quảng Bình
Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 02/02/2014
Tục giữ lửa trong ngày Tết và bưng Tết trước cho cha mẹ là hai phong tục quý báu mà người dân vùng cao Quảng Bình còn lưu giữ từ bao đời nay.
Đã bao đời nay, người Nguồn, tộc người chiếm khoảng 80% dân số ở huyện vùng cao Minh Hóa, Quảng Bình, vẫn giữ mãi hai phong tục tập quán quý báu mà ông cha để lại, đó là tục giữ lửa trong ngày Tết và bưng Tết trước cho cha mẹ.
Theo tục giữ lửa trong ngày Tết, quan trọng là lửa phải được giữ cháy trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tức đêm giao thừa. Tùy theo mỗi gia đình, lửa sẽ được giữ hết ngày mồng 1 hay kéo dài đến hết ngày mồng 3 Tết.
Bà Đinh Thị Nghiêm, 75 tuổi, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, cho biết: Theo lời ông bà bảo lại, giữ lửa là để giữ hơi ấm, truyền cái tốt đẹp từ năm cũ qua năm mới. Lửa cháy mãi thì gia đình sẽ ăn ra làm nên, có của để của dành trong năm tới. Gia đình bà Nghiêm đã giữ gìn tập tục này từ rất lâu, không có Tết nào không làm.
Đồng bào người Nguồn quan niệm rằng giữ lửa là
để giữ hơi ấm, truyền cái tốt đẹp từ năm cũ qua năm mới. - Ảnh: VGP/Minh Trang
Đối với vùng cao như Minh Hóa, Quảng Bình, khí hậu thường rất lạnh nên lửa có ý nghĩa quan trọng, là phương tiện để sưởi ấm căn nhà, nấu nướng đồ ăn thức uống và bảo vệ người dân trước thú rừng.
Ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn, cho biết: Theo quan niệm của người Nguồn, thần lửa là vị vua cao nhất. Trong dịp Tết, Vua bếp lên thiên đình đón Xuân với Ngọc Hoàng nên không thể bảo vệ và che chở được cho gia chủ. Vì vậy, người Nguồn phải đốt lửa lên để sưởi ấm, để thần lửa che chở và phù hộ.
Vì thần bếp là vị vua cao nhất nên người Nguồn thờ Vua bếp ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Bàn thờ rộng khoảng 40 cm, dài khoảng 50 cm được treo hoặc đặt lên xà nhà gian giữa. Đặt Vua bếp ở đó để ngăn không cho tà ma và những điều xấu vào nhà hoặc khi có người ra vào cũng phải cúi đầu chào Vua. Khi dâng lên bàn thờ cúng Vua, cần phải chọn những thứ tinh sạch nhất, thường là những món chay như trầu, cau, nước lọc, bánh tét, xôi... Củi đốt trong bếp không dính những thứ tạp nham, bẩn thỉu; chọn những cây chắc, cháy mạnh để đốt trong ba ngày Tết. Còn những ngày thường có thể đốt các loại củi khác nhưng cũng phải sạch sẽ.
Việc đề cao vai trò của bếp lửa có ý nghĩa dạy bảo con cháu phải cố gắng chăm chỉ siêng năng, tạo ra của ăn của để để bếp lửa luôn được bừng cháy trong ngôi nhà, thể hiện sự ấm no, an khang thịnh vượng trong một gia đình.
Bên cạnh đó, phong tục bưng Tết trước cho cha mẹ cũng là một tập tục đẹp được người Nguồn giữ gìn, đề cao đạo hiếu của con cháu đối với công ơn của cha mẹ. Theo phong tục này, trước Tết, con cái dù ở xa đến đâu đều phải tự tay chuẩn bị, bưng đến nhà cha mẹ mâm cơm tỏ lòng hiếu thảo.
Mỗi người con, bất kể giàu hay nghèo, xa hay gần, khi đã có gia đình phải tuân thủ luật tục này một cách tự giác. Mọi người sẽ bàn bạc để các món ăn và ngày bưng cơm không trùng nhau, tổ chức làm sao để cha mẹ được vui lòng.
Khi mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt chúc ông bà, cha mẹ những điều may mắn, bình an trong năm mới, đồng thời nói với ông bà, cha mẹ những lời sám hối nếu như trong năm qua phạm phải điều gì làm bậc sinh thành buồn lòng. Sau đó, gia đình sẽ cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, cha mẹ sẽ bảo ban con cháu, hướng con cái đến những điều tốt đẹp.
Ông Đinh Hồng Hộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tự hào: Đây là hai tập tục truyền thống tốt đẹp đã được người Nguồn gìn giữ bao đời nay và không hề bị phai nhạt. Hai tập tục được người xưa truyền lại với ý nghĩa mong muốn con cháu gìn giữ và phát huy đạo hiếu với bậc sinh thành, gia đình luôn ấm áp, hạnh phúc thì nhà cửa sẽ yên vui, con cháu ăn ra làm nên.
Trải qua thời gian, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Nguồn ở Minh Hóa ngày càng đi lên. Nhiều gia đình đã có nhà xây cao tầng, nấu ăn bằng bếp ga nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, phong tục giữ lửa và bưng Tết trước cho cha mẹ vẫn không hề bị mai một.
Minh Trang (Chinhphu.vn)