Ca trù đang sống hay chết?

Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 29/08/2013

Còn quá nhiều việc phải làm để “cứu” ca trù nếu không muốn UNESCO rút lại danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể dành cho ca trù.
Còn quá nhiều việc phải làm để “cứu” ca trù nếu không muốn UNESCO rút lại danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể dành cho ca trù.
   
  Ngay sau khi ca trù được UNESCO vinh danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, Bộ VHTT&DL đã công bố “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù”. Theo lộ trình, chỉ còn 1 năm nữa (tức là vào năm 2014) Việt Nam phải báo cáo lại với UNESCO tình hình “cứu” ca trù ra khỏi tình trạng “khẩn cấp”. Nhưng theo thực tế của nhiều địa phương có sinh hoạt ca trù, việc thực thi bảo vệ, phát huy giá trị ca trù trong đời sống hiện nay còn nhiều thách thức.
   
  4 năm sau khi ca trù được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chúng ta đã bộc lộ sự yếu kém và thiếu kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và giữ gìn di sản này. Một trong những nguyên nhân ấy là sự yếu kém của chính đội ngũ những người làm công tác quản lý di sản.
   
  Bà Bùi Thị Phấn (Trưởng phòng Nghiệp vụ - Sở Văn hóa Thông tin Hưng Yên) phản ánh về thực trạng kiểm kê ca trù ở địa phương: “Ở Sở VH-TT&DL Hưng Yên có gần 50 người mà không có 1 nhạc sĩ nào, nhà văn hóa thì chỉ có 2 nhạc sĩ được đào tạo ở nhạc viện, các bộ phận khác hầu như không có nhạc sĩ. Lúc đi kiểm kê, họ không biết gì về nhạc thì sao kiểm kê được. Người dân hát điệu “Lý chiều chiều” thì bảo là ca trù, hát “Cô ba cô bảy” thì nói là hát dâng hương cửa đình. Người đi kiểm kê không biết người dân đang hát ở thể cách gì, người hát cũng không biết chính mình đang hát ở thể cách gì”.
   
  Theo TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, việc kiểm kê ca trù mới thực hiện bước đầu và kế hoạch hành động mới chỉ có mục tiêu chứ chưa thực sự tiến hành trong thực tiễn: “Kết quả kiểm kê ca trù phải được làm tiếp, phải được cập nhật, đặc biệt là ý nghĩa của nó trong đời sống hôm nay. Cũng cần phải làm rõ những biểu hiện sống của di sản, bên cạnh quan tâm tới các nghệ nhân cũng cần quan tâm tới thế hệ trẻ và những người tâm huyết với ca trù”.
   
  Theo đại diện Sở VHTT&DL Hà Nội, hiện nay, việc thống kê ca trù vẫn đang được các đơn vị cơ sở tiếp tục thực hiện. Dù tháng 10 tới sẽ có con số cụ thể, tuy nhiên, mức độ chính xác của con số đó tới đâu, hay một “tương lai tươi sáng” cho ca trù thì chắc khó ai dám tin. Phải 12 năm sau khi Liên hoa ca trù Hà Nội lần thứ nhất tổ chức, năm ngoái, một kì Liên hoan tiếp theo mới ra đời. Chỉ chừng ấy cũng đủ hiểu, ca trù bị rơi vào quên lãng từ phía những nhà quản lý văn hóa.
   
   
Ca trù cần phải được "cứu" trước khi quá muộn
   
  Điều đáng buồn là, ca trù lại bị bỏ lửng ngay trên chính cái nôi của nó là - Hà Nội. Làng Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là địa phương có truyền thống ca trù, nhưng vận động được người theo học để nối tiếp truyền thống ca trù là vô cùng khó khăn.
   
  Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù cho biết: “Đối với chúng tôi, để bảo tồn được ca trù rất khó khăn. Khi UNESSCO công nhận thì vắng bóng rất nhiều đoàn thể, không thấy bóng dáng lãnh đạo hỏi đến các cụ nghệ nhân. Các cháu đi học hát thì không biết biểu diễn cho ai. Hai cụ nghệ nhân còn nói đùa mang trả danh hiệu nghệ nhân dân gian vì nhận chẳng được gì mà cũng chẳng làm thế nào phát triển được”.
   
  Không riêng Hà Nội, đã 4 năm trôi qua ở những tỉnh có loại hình nghệ thuật này, những việc đã làm được so với kế hoạch, chương trình đặt ra mới chỉ là kiểm kê, lên danh sách các nghệ nhân, các CLB, tổ chức hội thảo, hội nghị và các cuộc liên hoan ca trù…
   
  Theo ông Trần Cảnh Yên (Chủ nhiệm CLB Ca trù huyện Diễn Châu, Nghệ An) các CLB ca trù như ở Nghệ An hoạt động rất khó khăn, nói gì đến việc sống được bằng nghề: “Để đảm bảo điều kiện cho CLB hoạt động, chúng tôi phải vận động xã hội hóa bằng những hoạt động của mình, lấy những nguồn thu ít ỏi để cho CLB hoạt động. Không gian biểu diễn ca trù cũng rất khó khăn nên việc bảo tồn ca trù càng khó khăn hơn”.
   
  Ngay như việc để có một chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân và có những chính sách cho các CLB ca trù, sau nhiều năm “nâng lên, đặt xuống” thì tới nay, các nghệ nhân vẫn tiếp tục phải chờ đợi. Điều này khiến cho phần lớn nghệ nhân khó lòng dồn tâm huyết với ca trù. Đây cũng là trăn trở của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc: “Mong ước làm sao mà các cấp có thẩm quyền quan tâm giữ gìn ca trù cho các cháu, giáo viên phải có lương thì mới dạy được. Tóm lại cũng là phải có tiền, có ngân sách. Dạy thì không tiếc một cái gì, mình già rồi, không mang đi được...”.
   
  Để cứu ca trù, theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, có rất nhiều việc phải làm: “Cần phải giữ được các thể cách và làn điệu của ca trù. Trên thực tế, Bộ Văn hóa, Sở Văn hóa cũng vào cuộc nhưng không có kế hoạch cụ thể nào. Phải có một chế độ cho các nghệ nhân, dù ít thôi nhưng phải cụ thể. Tôi cũng đã có nguyện vọng mỗi nghệ nhân có một sổ bảo hiểm y tế nhưng vẫn chưa có. Chúng ta bỏ rơi những thứ rất đáng quý”.
   
  Còn quá nhiều việc phải làm trong chặng đường 1 năm sắp tới nếu không muốn UNESCO rút lại danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại dành cho ca trù. Điều quan trọng là các nhà quản lý văn hóa cần nhận thức rằng: danh hiệu UNESCO dành cho các di sản không phải là một bằng khen mang tính thành tích, mà đó là một trách nhiệm lớn lao về bảo tồn di sản một cách đúng đắn.
   
Lê Thu/VOV