Lai Châu: Tăng cường các biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:00, 19/07/2019
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lai Châu, đến ngày 14/7/2019 dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang xảy ra tại 48 xã, của 8/8 huyện, thành phố và đã có trên 7.400 con lợn bị tiêu huỷ; thời gian gần đây dịch diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh tái phát rất cao. Hiện đã có 29 xã công bố hết dịch.
Để hạn chế nguy cơ trên và giảm thiểu thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung vào các nhiệm vụ sau: Quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm "phòng là chính, cơ sở và người dân là chính"; chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử 1ý tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng, ban chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nguyên tắc “5 không”, kiên quyết chỉ đạo thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt đàn lợn; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch tại hộ gia đình; khuyến khích người dân tiêu thụ lợn khỏe, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để giảm áp lực về số lượng lợn phải tiêu hủy. Công khai về mức hỗ trợ và thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn, đặc biệt tuyên truyền việc chính sách giảm mức hỗ trợ.
Tăng cường phân công kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở, đặc biệt là công tác thống kê, kiểm đếm số lượng, trọng lượng từng loại lợn phải tiêu hủy. Kịp thời phát hiện và xử 1ý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh. Chỉ đạo Đội công tác liên ngành, các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật không rõ nguồn gốc. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp tổ chức và duy trì họp giao ban thường xuyên (ít nhất 1 tháng/lần) để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong công tác triển khai phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương.
Đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý thị trường tỉnh… thành lập tổ kiểm soát lưu động liên ngành để kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách có chở động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm để khắc phục tình hình vận chuyển động vật và sản phẩm của động vật, đặt biệt là lợn, gia cầm và sản phẩm của chúng trên các phương tiện vận tải hành khách.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng chống DTLCP tại các đơn vị và địa phương.
Các chốt kiểm dịch động vật tỉnh tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc phối hợp, kiến nghị xử lý ngay đối với chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định qua chốt vào địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm tra, phun tiêu độc khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT Chủ trì cùng các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tích cực, chủ động trong việc kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai công tác phòng chống DTLCP tại tại các huyện, thành phố, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp tại hộ gia đình, việc bố trí sắp xếp các chốt kiểm dịch, kiểm soát động vật, việc phun tiêu độc khử trùng; chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để hướng dẫn, tuyên truyền vận động đến người dân các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là mức hỗ trợ và thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.